Giản Lê có bệnh.
Thật ra cũng chẳng phải bệnh tật gì nghiêm trọng, ban đầu chỉ là một loại u nang lành tính khá phổ biến.
Đời trước của cô, dù ngày ngày cật lực làm việc đến 9 giờ tối, 6 ngày mỗi tuần rồi chết đột ngột, cái u ấy cũng chưa từng gây chuyện gì.
Nhưng mà năm đó… cũng chính là đầu xuân năm nay, mẹ cô Vương Mộng Mai cảm thấy con gái mình gầy quá, nghi ngờ không biết có phải cái u đó có vấn đề hay không, nên mẹ dắt cô đi bệnh viện khám.
Không rõ hôm ấy gặp phải bác sĩ bận rộn hay bị hiểu nhầm chỗ nào, cuối cùng bác sĩ kia chỉ qua loa kê đơn thuốc rồi vội vã đẩy mẹ con cô ra khỏi phòng khám. Sau khi mang thuốc về, Giản Lê đã uống thuốc đó hai tháng liên tục.
Sau đó, cô bắt đầu tăng cân… nhanh như thổi.
Ban đầu là ăn khỏe một cách bất thường, sau đó thì cơ thể cứ tự nhiên phồng to. Đợi đến khi mẹ cô phát hiện ra, đưa cô tái khám lại thì bác sĩ mới nói… thuốc kê trước đó sai hoàn toàn.
Là thuốc nội tiết, lại còn liều lượng quá cao.
Dù bác sĩ đã nhanh chóng đổi toa thuốc, nhưng cân nặng của Giản Lê vẫn chẳng giảm được là bao. Suốt những năm tuổi dậy thì, cô luôn sống trong ánh mắt giễu cợt của người khác, bị gọi là “con mập” hết lần này đến lần khác.
Cô bé từng có khuôn mặt thanh tú, đáng yêu… bỗng chốc trở thành thiếu nữ nặng 180 cân (gần 90kg).
Thành tích học tập tụt dốc không phanh, tâm trạng thì mỗi ngày một tồi tệ hơn…
Giản Lê chẳng biết phải nói gì.
Ở kiếp trước, trước lúc chết vì kiệt sức trong một xưởng sản xuất nhỏ, cô từng nghĩ: nếu có kiếp sau, nhất định sẽ không làm việc như điên nữa. Cũng chẳng giảm cân làm gì cho cực.
Nhưng bây giờ quay lại, cô phát hiện… để có thể sống bình yên thôi, e là còn cả một đoạn đường rất dài phải đi.
Dẫu vậy…Giản Lê nhìn vào gương, không kìm được bật cười.
Khuôn mặt tròn trịa lộ ra hai lúm đồng tiền nhỏ xinh. Cô tăng cân bắt đầu từ bụng, rồi đến chân tay, cuối cùng mới lên mặt.
Dù giờ đã mũm mĩm, nhưng giữa hàng lông mày vẫn còn thấy được nét xinh xắn thuở nào.
Tự an ủi một chút, nhìn thuần về gương mặt thì cũng có thể miễn cưỡng khen là dễ thương.
Huống hồ, cô mới học lớp 8 mà đã cao 1m65, thân hình tuy nặng nhưng xương cốt đều đặn, nhìn cũng đỡ hơn những người béo phì kiểu ục ịch.
Giản Lê nhìn vào chính mình trong gương, khẽ cười rồi lại bất chợt rơi nước mắt.
Cũng may…Mọi chuyện vẫn còn kịp.
Lúc cô đang ngắm nghía căn phòng nhỏ của mình, ngoài cửa sổ bỗng vang lên tiếng người trò chuyện.
Nhà cô ở tầng một, bên ngoài là một khoảnh sân nhỏ khoảng năm sáu mét vuông, được gọi là sân nhưng thật ra chỉ là một mảnh đất trống. Nhà ai cũng rào lại bằng hàng rào tre, trồng trọt hay để vài thứ linh tinh.
Nhà Giản Lê thì không có rào. Bởi vì mẹ cô Vương Mộng Mai là người cực kỳ ngăn nắp, trong mắt nẹ không chịu nổi một hạt bụi, nên khoảng sân nhà họ chẳng để gì ngoài vài chiếc xe đạp.
Chính vì vậy mà cô nghe rõ mồn một đoạn đối thoại ngoài kia:
“Phong ca, tối nay đi ăn với bọn tôi nha?”
“Không được, con tôi nay ở nhà.”
“Thì qua nhà tôi cũng được, vợ tôi xào ít lạc, anh em mình làm vài ly.”
“Kia…”
Nghe giọng ba có vẻ đang do dự, Giản Lê vội vàng thò đầu ra khỏi cửa sổ, gọi to:
“Ba ơi!”
Giản Phong lập tức dừng cuộc trò chuyện, nhanh chóng từ chối bạn:
“Hôm khác đi, hôm nay không tiện.”
Người bạn kia nghe không được mời bèn hậm hực bỏ đi:
“Vậy để hôm khác tôi lại qua!”
Giản Phong bước vào nhà, tay xách hộp cơm, vừa lau mồ hôi vừa cười:
“Còn lại chút mì hấp, nếu con thấy mềm quá thì ba cho vô chảo xào lại.”
Giản Lê cầm đũa nếm thử:
“Có hành nữa.”
So với mẹ nấu thì đúng là còn lâu mới bằng, nhưng ăn vẫn tạm ổn.
Giản Phong lấy thêm hai cái chén, mang phần bắp tảm (món cháo ngô đặc, sánh dẻo) mẹ cô để lại lúc ra ngoài ra bàn. Chừa một phần cho mẹ, phần còn lại hai cha con ăn cùng với mì hấp.
Ông vừa ăn vừa nhặt vài miếng thịt ba chỉ kho trong phần rau xào bỏ vào bát con gái. Nhà ăn tập thể càng lúc càng tệ, mì hấp cũng chẳng hơn gì, mì dính bết lại, mua về còn phải ngửi xem có ôi chưa.
Giản Lê vừa ăn vừa hỏi:
“Ba, lúc nãy là chú Tiểu Bằng tới tìm ba hả?”
“Ừ đúng rồi.”
Cô cắn miếng thịt mạnh hơn hẳn.
Triệu Hiểu Bằng – chính là kẻ ở kiếp trước đã bán cho ba cô ba chiếc xe second-hand đểu.
“Chú ấy tìm ba làm gì?”
Giản Phong thấy con gái hôm nay nói nhiều, hơi bất ngờ nhưng cũng trả lời thật:
“Chắc hỏi chuyện chia ca tháng sau thôi.”
Ông là tổ trưởng tổ nhỏ trong nhà máy, mỗi tháng quản việc phân ca. Triệu Hiểu Bằng cũng làm trong tổ, nên hay đến hỏi.
“Không phải đến vay tiền đấy chứ?” – Giản Lê nheo mắt.
Đúng ngày phát lương, lại đến rủ đi nhậu, chẳng đáng ngờ sao?
Bạn bè của ba cô, ai mà chẳng từng mò đến nhà họ ăn chực? Chưa kể lần nào đi uống cũng toàn ba cô trả tiền. Vì chuyện đó mà mẹ cô với ba cãi nhau suốt, nhưng ba vẫn không bỏ được thói quen mềm lòng đó.
Giản Phong nghe con gái nói vậy thì chỉ cười, gắp thêm cho cô hai miếng thịt:
“Chưa chắc đâu. Mà có vay thì cũng không vay được, túi ba giờ còn chẳng có lấy hai đồng đây này.”
Tiếc cho Triệu Hiểu Bằng đến muộn, ba cô đã cho Lưu Hướng Đông mượn hết sạch rồi. Ba lại mới cãi nhau với mẹ xong, mẹ cô đem toàn bộ tiền lương giữ hết luôn, chỉ chừa lại đúng một tờ lẻ cho ba cô.
Nghĩ đến đây, tâm trạng ông lại chùng xuống.
Ông hiểu rõ, tật xấu lớn nhất của mình là mềm lòng.
Ba cô cùng Triệu Hiểu Bằng, Hứa Kiến Quốc, Vương Lợi Minh, Lưu Hướng Đông – năm người là bạn chí cốt từ nhỏ, từ hồi còn ở khu tập thể xưởng dệt bông. Cùng ăn, cùng chơi, cùng lớn.
Người đầu tiên mất việc là Vương Lợi Minh, rồi đến Lưu Hướng Đông. Nhà ai cũng khó khăn, chỉ còn vài người trụ lại nhà máy, nhưng cũng lay lắt chỉ lấy được nửa tháng lương.
Giản Phong tuy là tổ trưởng nhỏ, mỗi tháng được hơn hai trăm, nhưng cấp dưới như Triệu Hiểu Bằng thì chỉ hơn trăm bạc. Trong khi đó vợ con cả đống, trong nhà ngoài chú ấy thì chẳng ai chịu đi làm nên sống rất chật vật.
Đặc biệt là nhà Lưu Hướng Đông – có mẹ già bệnh nặng, vợ cũng không đi làm, lại thêm một cặp song sinh mới lên ba. Gánh nặng cả nhà đè lên vai một mình chú ta.
“Lúc ba con đói không có cơm ăn, toàn nhờ mấy nhà trong xưởng san sẻ. Lưu nãi nãi còn xé bánh bao chia đôi cho ba. Con không biết, ba ngày đói đến nỗi ăn xong nhà này lại qua nhà khác…”
Chắc lâu lắm mới có người để dốc bầu tâm sự, ba cô liền kể hết chuyện cũ trong xưởng, từng người từng việc.
Giản Lê chỉ lặng lẽ ăn, không cắt ngang.
Kiếp trước, cô từng trách ba quá trọng tình cảm. Nhưng giờ nghĩ lại, cô cũng hiểu.
Ba cô sinh ra ở xưởng dệt bông, lớn lên nhờ sự giúp đỡ của biết bao người trong viện. Sau khi ông nội mất sớm, bà nội tái giá mang theo con gái là ba cô – về nhà chồng mới, rồi sinh thêm con.
Ba cô từ đó trở thành con riêng, phải làm việc nhiều, cho ăn uống lại thiếu thốn, ít ỏi.
Sau này, ba dượng thành đạt, ông ta an bài hết đường đi cho con mình rồi đẩy ba cô về lại khu tập thể, lấy lý do có sẵn: nhận ca của người cha đã mất.
Lúc ấy ba cô mới hơn 13 tuổi, ba dượng mẹ ruột không ai quan tâm ba cô sống sao, học hành hay không. Bấy giờ, chỉ có những người bạn trong viện chơi từ thuở nhỏ là nhớ tới ông.
Giản Lê nghe xong, đưa ra câu kết luận:
“Người là sẽ thay đổi.”
Giản Phong cười ha ha:
“Con biết gì mà nói. Nhưng thôi, ba tin có những thứ… sẽ không thay đổi.”
Giản Lê bưng bát bắp tảm uống cạn một hơi:
“Ba rồi sẽ bị người ta lừa thôi.”
Người dạy người, dạy bao nhiêu cũng không hết, không nghe.
Nhưng nếu là chuyện đời dạy người… chỉ cần một lần là đủ.
Cô không mong vài câu là có thể khiến ba tỉnh ngộ, nhưng hy vọng lần này xảy ra sớm, để cô sớm còn khuyên nhủ ba một trận đàng hoàng.
Đang nghĩ tới đó, ngoài cửa vang lên tiếng gọi hớt hải:
“Phong ca! Phong ca!”
Giản Phong vội đáp lại:
“Kiến Quốc, có chuyện gì vậy?”
Hứa Kiến Quốc thò đầu từ ngoài cửa sắt vào, mặt mày lo lắng:
“Phong ca! Mau lên, mẹ Đông Tử… không còn nữa rồi!”