“Vừa mới phát lương, tổng cộng chỉ có hai trăm hai mươi tám đồng bảy hào. Anh lấy một trăm tám mang về nhà rồi, còn lại tiền đâu? Anh lại cho ai mượn nữa đúng không?”
“Bà xã à, nhà Đông Tử thật sự khó khăn, tháng này nó làm tạm ở nhà máy tư nhân, lương mới phát một nửa. Mẹ nó lại đang nằm viện, tiền thuốc đến giờ vẫn chưa biết lấy đâu ra…”
“Người ta khó khăn? Anh không nhìn lại nhà mình đi! Mình hơn người ta chỗ nào? Con gái mình đóng học phí một phát, nhà này đã chới với rồi. Anh tưởng nhà mình giàu lắm sao?”
“Anh…”
“Em mặc kệ! Giờ anh đi đòi lại tiền cho em. Đòi không được thì đừng có về! Hoặc là… hoặc là thôi luôn đi!”
“Đông Tử nói…”
“Giản Phong! Anh đừng quên anh còn có vợ, có con! Tháng trước tiền thuê quầy hàng là chị em giúp đỡ cho mình mượn, cái nhà này hiện chẳng còn gì đáng giá.
Anh nghĩ anh là ông chủ nghìn vàng chắc? Nếu anh thật sự là ông chủ thì anh đi làm từ thiện cũng được! Nhưng anh không phải!”
“…”
“Anh nói gì đi chứ! Anh không phải lúc nào cũng tự cho mình đúng sao? Họ Giản nhà anh là người tốt nhất thiên hạ chắc?
Nếu như nhà máy vẫn còn phát lương thì em không nói gì, nhưng anh nhìn xem, vừa mới đóng tiền thuê quầy, con gái sắp lên cấp ba, tiêu tiền như đổ nước… Lúc anh cho vay tiền sao không nghĩ mấy chuyện này!”
…
Tiếng cãi nhau của cha mẹ xuyên qua bức rèm cửa có thêu hình gấu trúc và dòng chữ “Gia hòa vạn sự hưng”.
Lúc này, ánh chiều tà len qua khung cửa sổ chiếu lên nền xi măng nứt nẻ, phản chiếu ánh sáng loang loáng như có lớp dầu mỏng bám trên mặt đất.
Góc nhà là tấm lịch treo tường bị xé nham nhở, chỉ còn trơ lại mảnh giấy in mờ dòng chữ: “Ngày 15 tháng 7 năm 1995”.
Trên gương, phản chiếu khuôn mặt tròn trĩnh của Giản Lê - vẫn là cô bé 12 tuổi thời ấy, khuôn mặt đang ngơ ngác như chưa hiểu chuyện gì vừa xảy ra.
Rõ ràng một giây trước, cô còn đang ở công ty làm thêm giờ. Vậy mà chớp mắt đã quay về cái năm hè đỏ lửa ấy.
Cô nhéo thử má mình một cái, “Ái da!” – đau thật. Không phải mơ. Là cô trọng sinh thật rồi!
Tiếng chân dồn dập ngoài cửa, giọng mẹ cô Vương Mộng Mai vẫn còn tức giận sau một trận cãi nhau nảy lửa:
“Các người họ Giản chẳng có ai ra gì cả!” – nói xong mẹ quăng cửa bỏ đi.
Giản Lê vẫn đứng trơ như đá, rồi bỗng thở phào nhẹ nhõm. Giọng điệu xỉa xói kia đúng là của mẹ cô rồi – quen thuộc đến từng hơi thở.
Vương Mộng Mai có kiểu mắng rất “chuyên nghiệp”: bắt đầu là bóc mẽ sự việc, sau đó lôi chuyện cũ ra, rồi tấn công cá nhân, kết thúc bằng một câu kết luận “giàu tính triết lý” như: “Không biết phấn đấu thì cả đời chỉ có thế thôi!”
Cô và ba đều quen rồi. Mấy ngày tiếp theo chắc chắn sẽ là “thời kỳ bế quan dưỡng khí”: ai việc nấy làm, đừng đụng đến bà. Mỗi người phải biết nhìn sắc mặt mà sống.
Nhưng, như thường lệ, chỉ cần không chạm vào vấn đề nguyên tắc, ba ngày sau mọi chuyện sẽ qua. Mẹ cô sẽ bắt đầu lầm bầm vài câu như: “Cơm nấu cho chó còn không ăn” hay “Quần áo giặt cứ như chơi đồ hàng”… Nghe mấy câu ấy là biết mưa tan, trời lại nắng.
Quả nhiên, cánh cửa vàng úa kẽo kẹt mở ra, khuôn mặt trẻ trung của ba Giản Phong hiện ra. Ba cô còn trẻ quá, làm Giản Lê giật mình sửng sốt.
Đây là ba cô sao?
Không còn vẻ mệt mỏi hay trầm mặc như sau này. Giữa trán không còn hằn nếp nhăn chữ 川 (xuyên), giờ chỉ còn sự phẳng lặng và trẻ trung.
“Ngoan, chắc mẹ con sang nhà dì Lệ Quyên rồi. Tối nay con muốn ăn gì? Ba làm cho.”
Giản Lê vẫn ngơ ngác, chưa trả lời. Ba cô cười hiền:
“Biết ngay là con chê ba nấu dở. Thôi để ba xuống nhà ăn mua gì đó cho con. Con thích ăn mì chưng hay bánh bao cuộn?”
Cô định từ chối, nhưng bụng lại réo lên “ục ục”, chẳng khác gì phản chủ.
“…Mì chưng đi ạ.”
“Rồi, ba đi ngay.”
Giản Lê ngẩn người nhìn bóng lưng ba đi xa, một cảm giác nghẹn ngào dâng lên. Cô từng thấy ông khom lưng trong vô vọng, chưa từng nghĩ ông từng có dáng đi thẳng thắn như thế.
Trên bàn học, cô bắt đầu thu xếp lại suy nghĩ. Âm thanh loa truyền thanh ngoài cửa sổ vang lên: “Hiện nay là mùa hè cao điểm, khu xưởng dệt xin nhắc công nhân chú ý phòng cháy chữa cháy và an toàn lao động…”
Xưởng dệt bông nơi ba mẹ cô làm từng là niềm kiêu hãnh của thị trấn. Nhưng bước sang thập niên 90, nó như một ông già đang lụi tàn.
Ba cô từng nghĩ mình sẽ làm đến hưu trí, không ngờ nhà máy sụp đổ, lương thưởng bị cắt, rồi thất nghiệp. Ông chọn học lái xe, vay mượn khắp nơi, đến mức đem cả căn nhà đi thế chấp.
May mắn, bằng lái lấy được, đi thuê xe kiếm được chút vốn xoay vòng. Nhưng rồi ông lại tin bạn cũ, mua phải xe cũ dính án, bị tịch thu, cả nhà từ đó rơi vào cảnh bết bát.
Sau cú ngã ấy, ông như người tàn. Mẹ cô cũng dứt khoát đóng cửa giấc mộng đổi đời, mở quán bánh nướng nhỏ, thủ vững lấy tổ ấm. Bà cẩn trọng đến mức thậm chí còn sợ cả chính ba con mình.
Có năm nhà không đủ tiền mua thịt, mẹ cô chỉ mua được hai con gà già về nấu canh đón giao thừa. Cả nhà lặng lẽ húp nước, pháo bên ngoài nổ tưng bừng mà trong nhà lại lạnh ngắt.
Ba cô từ đó cũng chẳng còn tồn tại trong tiếng nói của gia đình.
Những đêm vắng, Giản Lê vẫn nghe tiếng thở nặng nề của ông từ phòng bên không phải tiếng thở dài, mà là nỗi buồn nghẹn trong lồng ngực, nhẹ tênh nhưng khiến người khác ngã quỵ.
Còn cô?
Trong gương là khuôn mặt tròn trĩnh, với bảng điểm mới lôi ra từ ngăn bàn: nặng 180 cân, điểm thi 18. Một lần nữa, cô thở dài.