Nghe audio tại: https://www.youtube.com/@songvedemaudio
Tôi chưa kịp nghĩ thêm thì mẹ đã kéo tôi ngồi xuống cái ghế nhựa ở góc.
Mẹ khẽ nói: “Tiểu Như, đừng nói gì nữa, ăn chút đi, xem mẹ nấu có ngon không.”
“Làm sao mà không ngon được? Mẹ nấu là nhất!” Nghe tôi nói vậy, mẹ mỉm cười.
Mẹ vừa định ngồi xuống thì giọng bố tôi lại vang lên: “Canh đâu? Mau nấu canh đi!”
Mẹ cười gượng: “Ôi, suýt quên mất, tôi đi nấu ngay.”
Thấy tôi lo lắng nhìn theo, mẹ lại cố trấn an: “Tiểu Như, con cứ ăn trước đi.”
Tôi vội đứng dậy: “Mẹ, món ăn nhiều thế rồi mà, cần gì canh nữa?”
“Đâu có! Món là món, canh là canh. Bố con nói đúng mà, không có canh sao được? Con cứ ngồi đó, mẹ làm nhanh thôi.”
Những người khác hoàn toàn không để ý đến chúng tôi – hoặc giả là đã bắt đầu cố tình lờ đi sau những lời tôi vừa “phản pháo” họ ban nãy. Tôi cũng chẳng muốn hòa nhập với đám người đó.
Không nói không rằng, tôi đi theo mẹ vào bếp phụ một tay.
“Mẹ, còn đau không?”
Thấy mẹ xoa cánh tay vừa bị đánh, lòng tôi đau như cắt. Tôi vội vàng định kéo tay áo mẹ lên xem.
Nhưng mẹ gạt tay tôi: “Không sao đâu, bố con bây giờ sức khỏe yếu lắm rồi, đánh cũng chẳng đau gì đâu.”
Làm sao mà không đau?
Mẹ tôi là người chịu đựng, nếu không đau thì bà đâu cần phải xoa chỗ đó như thế?
Nhớ lại cảnh bố giơ chổi định đánh tôi lúc nãy, lòng tôi chỉ còn lửa giận.
Mẹ nhìn nét mặt tôi, thở dài, hạ giọng dặn dò: “Con cũng biết bố con xem trọng người nhà cỡ nào, đừng đối đầu với họ nữa. Họ nói gì thì cứ làm ngơ đi.”
“Tính bố con mà nổi nóng thì con biết rồi đó…”
“Thôi, không nói nữa, giúp mẹ mở cái hộp trái cây đóng sẵn đi.”
Tôi ngạc nhiên: “Mẹ, mẹ còn định nấu hai món canh à?”
“Ừ, ông bà nội và bố con thích ăn canh ngọt, còn chú Hai với cô thì lại thích canh mặn. Không chuẩn bị sẵn, lát nữa họ lại cằn nhằn.”
Những năm qua, tiệc ở nhà bà nội đều do mẹ tôi nấu hết, khẩu vị từng người bà thuộc làu làu.
Tôi bực tức:
“Mặc kệ họ đi! Mình mời họ ăn chứ có mời làm tổ tiên đâu mà hầu hạ đến vậy?”
“Cả buổi nay mẹ tất bật nấu hết từng ấy món, có ai giúp mẹ được một tay không? Cô, thím thì ngồi chơi, còn chú Hai với dượng thì chỉ biết ngồi uống rượu!”
“Mẹ là nhân vật chính mà lại là người bận nhất, có lý không chứ?!”
Mẹ lại vội vàng bịt miệng tôi:
“Suỵt, nhỏ tiếng thôi! Họ mà nghe thấy thì lại bắt đầu nói này nói nọ.”
Tôi bực mình: “Con không sợ họ nói đâu!”
Mẹ cười: “Phải phải phải, con gái mẹ lớn rồi, biết bảo vệ mẹ rồi.”
“Nhưng con ấy, đừng cố gây chuyện nữa, mẹ không sao.”
Tôi xị mặt:
“Mẹ lại thế, lại đi hòa giải.”
Mẹ thở dài: “Sống chung thì phải biết dĩ hòa vi quý. Nếu chuyện gì cũng tính toán, thì mẹ với bố con ly dị từ năm đầu rồi, còn đâu ra con nữa?”
Tôi liền động viên: “Giờ ly dị vẫn chưa muộn mà mẹ!”
Mẹ lảng tránh ánh mắt tôi: “Mẹ hơn năm mươi tuổi rồi, sống hơn nửa đời người rồi, ly dị để làm gì nữa?”
“Hơn nữa, con là đứa con gái đi làm từ quê ra thành phố, gia đình không giúp đỡ được gì. Nếu người ta biết bố mẹ con ly dị, lại càng khó lấy chồng.”
Tôi không cam lòng: “Chuyện đó mà cũng là lý do à? Nếu người con chọn mà không hiểu, thì con cũng không lấy!”
Mẹ bật cười: “Nói vậy là có đối tượng rồi hả?”
“Mẹ!!!” – Tôi đỏ mặt – “Mẹ lại đánh trống lảng!”
“Được rồi, được rồi, lấy cho mẹ cái tô lớn đi.”
Canh rất nóng, tôi đã lâu không đụng việc bếp núc, cầm cái nồi cũng thấy phỏng tay, phải nhăn mặt ôm lấy tai để tản nhiệt.
Mẹ thấy vậy thì cười, đẩy tôi sang bên: “Để mẹ làm cho!”
Mẹ vẫn là người thương tôi nhất.
Tôi nhìn ra ngoài, vừa lúc đó nghe thấy tiếng trò chuyện vọng vào từ phòng khách:
“A Kiều à, tụi tôi vừa bàn với nhau xong, Minh Lượng giờ 28 rồi, cũng nên lấy vợ. Con là cô cả, là bác nó, phải có trách nhiệm phụ giúp đấy nhé.”
Là bà nội, giọng đầy đắc ý và nghiêm trọng.
Tiếp theo là tiếng bố tôi vỗ ngực cam đoan: “Yên tâm đi mẹ, con nói A Kiều nghe mà, chuyện này con lo!”
Tôi lập tức cau mày.
Giúp? Giúp cái gì?
Mẹ tôi cũng không ngốc, bà lập tức hỏi lại: “Phụ giúp gì cơ?”
Cô út vẫn giữ nguyên cái giọng chanh chua đặc trưng: “Ôi dào, anh Hai nhìn kìa, chị dâu đến giờ còn giả vờ ngơ ngác nữa!”
“Giúp gì thì giúp tiền chứ còn gì nữa! Chứ sao, vào bếp nấu ăn hả?”
Cô cả cũng tiếp lời: “Không phải tôi nói chị dâu đâu nhé, nhưng mà Minh Lượng là độc đinh của nhà họ Trương đó nha!”
“Còn Tiểu Như, con bé học đại học cái là chê quê mùa, chê chúng tôi không ra gì, suốt ngày chẳng chịu về nhà, sau này ai lo cho hai người? Không phải là Minh Lượng chắc?”
“Vậy nên – giúp là phải giúp!”
Bố tôi gật đầu cái rụp, như thể sắp được “lên thánh”: “Đúng đúng, chúng ta phải gánh vác nhiều hơn!”
Tên ngốc này!
Tôi tức đến nghiến răng nghiến lợi.
Não ông ta bị rượu đốt sạch rồi à? Bị vòi tiền mà còn hả hê gật đầu?
Nhưng rồi tôi bắt đầu nhận ra tất cả những điều bất thường.
- Vì sao hôm nay bố tôi đột nhiên tổ chức sinh nhật cho mẹ?
– Vì sao ông nội lại "dịu dàng bất thường"?
– Vì sao cả nhà kéo đến, nhưng lại không đem quà?
– Vì sao, từ đầu đến cuối, mẹ tôi luôn phải phục vụ, không được ngồi xuống?
Thì ra tất cả là một vở kịch – một bàn tiệc được dàn dựng khéo léo để giăng bẫy.
Một bữa tiệc sinh nhật giả tạo – thực chất là một hồng môn yến!