Nghe audio tại: https://www.youtube.com/@songvedemaudio

Tôi vẫn còn nhớ rõ cái ngày nhập học lớp Một, cần 50 tệ học phí. Mẹ tôi năn nỉ bố suốt cả chục ngày, ông cứ bảo “biết rồi biết rồi” nhưng chẳng đưa tiền.

Tới ngày nhập học, ông về nhà trong tình trạng say xỉn, móc túi mãi mới có chưa tới 5 tệ.

Cuối cùng, vẫn là mẹ phải chạy sang nhà ngoại mượn tiền cho tôi đi học. Bố tôi thất tín quá nhiều, đến nỗi mẹ không còn trông cậy gì vào ông nữa. Bà tự mua chiếc xe đạp cũ, khi rảnh thì chạy đi các xã quanh đó tìm việc vặt.

Nhà ai cần khuân gạch, ai chưa gặt xong lúa, ai có người già cần chăm sóc… bà đều làm hết. Suốt những năm đó, mẹ vừa phải kiếm tiền làm thuê, vừa làm việc nhà, chăm bố tôi, chăm tôi, lại còn làm ruộng, giúp ông bà nội.

Tôi thực sự không hiểu mẹ lấy đâu ra sức lực để gồng gánh tất cả như thế. Ngôi nhà cấp 4 mà nhà tôi đang ở đến giờ vẫn chưa được sơn sửa, vì khi xây nó, chỉ có mẹ là người góp tiền. Một phần là tiền mẹ dành dụm, một phần là bà mượn từ bên ngoại. Bố tôi và ông bà nội – thì keo kiệt đến độ không bỏ ra một xu. Chưa kể, lúc xây nhà mà nhờ ông bà nội phụ hồ, còn bị chửi ngược lại.

May sao, sau khi tôi đi làm, cuộc sống mẹ đỡ khổ hơn một chút. Lúc đó mẹ đã trả hết nợ cho bên ngoại, lại không cần dành dụm học phí, sinh hoạt cho tôi nữa, chi tiêu nhẹ đi, mẹ cũng bớt đi làm thuê. Nhưng bà vẫn không được nghỉ ngơi.

Bố tôi vì uống rượu nhiều nên sức khỏe ngày càng tệ, mấy năm gần đây không muốn làm thợ xây nữa. Nhưng rượu thì vẫn uống, bài thì vẫn đánh. Hết tiền thì lục lọi trong nhà, lấy thẻ mẹ tôi đi rút tiền, hoặc mượn từ chú Hai, từ các cô, hoặc từ ông bà nội.

Thành ra, cứ đến dịp Tết, tôi lại “vinh dự” được họ hàng chào đón “nhiệt tình” để… xin tiền. Buồn cười ở chỗ, lúc đến mượn tiền, họ nhìn tôi như thể tôi là oan hồn đến đòi mạng. Nhưng vừa xoay người, lại thân mật gọi bố tôi là “anh trai yêu quý”. Rõ ràng tình cảm của họ với bố tôi ngày càng “thắm thiết”.

Chỉ vì tôi nói anh họ có “tính tình khó ưa”, cả nhà liền không vừa mắt. Không chỉ bố tôi, ngay cả ông bà nội khi vừa đến nhà, ánh mắt nhìn tôi cũng đầy ghét bỏ.

Đặc biệt là bà nội.

Bà hừ lạnh một tiếng: “A Quốc à, mẹ nói rồi mà, con gái là đồ tiêu tiền. Cho nó học nhiều làm gì? Con xem, cánh cứng rồi, dám nói bậy về thằng Minh Lượng – cháu trai duy nhất của nhà họ Trương! Sau này nếu bố mẹ thật sự không còn đi nổi nữa, phải đến nhà con ở, chắc bị nó mắng đến chết mất!”

Ông nội thở dài, lắc đầu: “Haiz, nuôi con gái kiểu gì mà hỗn láo vậy chứ?”

Lời ông khiến chú Hai và hai cô tỏ vẻ mãn nguyện.

Còn tôi thì chỉ cảm thấy ngọn lửa trong lòng đang bùng cháy. 

Giờ là năm nào rồi? Khắp nơi người ta còn đang vận động bỏ hủ tục, ở quê cũng vậy. Ai còn nói chuyện “truyền tông di mạch”, “trai độc đinh” kiểu đó?

Lại còn “phải để cháu trai đập bát đựng cơm khi tôi chết” á? 

Cả anh họ tôi, từ khi tốt nghiệp cấp 2 đến giờ chưa làm công việc tử tế nào, chỉ biết lui tới quán net và phòng game ở thị trấn.

Chẳng riêng gì anh ta, mà chú Hai và thím tôi cũng y chang được ông bà nội nuông chiều từ nhỏ. Hồi chia đất, ông bà nội cho hết cho họ, nhà tôi chỉ còn mảnh vườn 3 sào trồng rau.

Vậy mà họ làm ruộng thì lười, cuối cùng lại để ông bà – người già – làm thay.

Còn mẹ tôi, vì bố tôi thường xuyên vắng mặt, thì bị họ sai vặt suốt. Mẹ tôi là người hiền lành, bị sai khiến làm đến gù cả lưng cũng không dám than. Nhiều lần nấu cơm trễ bị bố mắng cũng chỉ lặng im.
Chắc là đã từng giải thích rồi, nhưng bị mắng, nên không nói nữa. Có nói cũng vô ích.

Mẹ từng có thai nhiều lần, nhưng cũng vì lao động nặng quá mức mà đều bị sẩy. Cuối cùng vất vả lắm mới giữ được tôi, mẹ phải về nhà ngoại tĩnh dưỡng. Dù vậy, khi mang thai 4 tháng, cũng bị gọi về để làm ruộng tiếp. Kết quả là tôi sinh ra đã bị suy dinh dưỡng, tới giờ cao cũng chưa tới 1m60.

Nghĩ tới đây, không chỉ là giận, mà cả nỗi uất nghẹn trong tôi cũng dâng lên.

Nếu không phải còn mẹ ở đây, cái nhà này – tôi không thèm ở lại dù chỉ một phút.

Họ nói tôi hỗn láo?

Ai đẩy tôi đến mức này chứ?!

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play