Hôm nay là ngày con gái của Lý Nghị chào đời. Đúng vậy, cậu ấy có một cô con gái nhỏ, xinh xắn như giọt sương đầu ngày. Chỉ vài hôm sau khi trở về từ vùng dịch, đứa bé đã ra đời.
Tôi đang ở bệnh viện. Vì sao ư? Lý Nghị cứ một mực muốn tôi làm cha nuôi cho con bé. Đứa trẻ vừa mới chào đời, tôi đã bị anh gọi điện kéo đến bệnh viện.
Tôi nhìn đứa trẻ nằm trong nôi, làn da trắng, gương mặt nhăn lại nhưng sạch sẽ, càng nhìn càng thấy dễ thương.
Khuôn mặt nhỏ ấy có nét giống Lý Nghị, cũng có chút giống vợ cậu, càng lớn lên chắc chắn sẽ càng giống.
Nghĩ đến đó, tôi cảm thấy chắc cả đời này mình sẽ không kết hôn nữa. Nhận một đứa con gái như thế này làm con nuôi, có lẽ cũng rất tốt rồi.
Lý Nghị và vợ đều nói muốn tôi đặt tên cho con bé. Tôi đứng đó, suy nghĩ rất lâu mà vẫn không nghĩ ra được cái tên nào có ý nghĩa. Sau đó, tôi tra cứu một chút trên mạng, thấy cái tên "Nam Chi" khá hay.
Lúc ấy Lý Nghị liền nói: "Hồng đậu sinh Nam quốc, xuân lai phát kỉ chi*. Rất hợp với con gái. Chuyện đặt tên, vẫn là cậu có khiếu hơn."
*Câu thơ này là một câu nổi tiếng trong thơ cổ Trung Hoa, xuất phát từ bài thơ "Tương tư" (相思) của Vương Duy (王維) – một nhà thơ đời Đường. Dịch thơ "Hạt đậu đỏ mọc ở phương Nam. Mùa xuân đến, chẳng biết đã nảy bao nhiêu cành". Hạt đậu trong thơ tượng trưng cho nỗi nhớ nhung, tình cảm thủy chung.
Tôi nghe vậy, khựng lại một chút, không biết phải đáp thế nào.
Bình thường tôi nấu ăn cũng không tệ lắm, nên đã mang theo một ít đồ ăn đến. Vừa nhìn thấy tôi mang cơm đến, cậu liền ngạc nhiên kêu lên: "Cậu xào mấy món này sao giống món ở căng-tin hồi cấp ba vậy? Hồi đó vợ tôi rất thích ăn mấy món này."
Cậu ấy nói mãi không ngừng, cuối cùng vẫn đút từng muỗng một cho vợ mình ăn. Mỗi lần múc một miếng cơm, cậu đều cẩn thận thổi cho nguội, sợ cô bị bỏng.
Rời bệnh viện xong, tôi mang theo hộp cơm trở về nhà. Nhà, lẽ ra phải là nơi ấm áp nhất, náo nhiệt nhất. Nhưng tôi lại cảm thấy, nhà mình không bằng cả con phố ngoài kia. Về đến nhà, bật đèn lên, trong phòng khách trống trải chỉ còn lại mình tôi.