Trổ Hoa

Chương 4: Khi đến sương phủ đầy


9 tháng


1

Tôi không biết bằng cách nào mà Thẩm Thanh Hoài tìm được tôi.

Tôi đã hứng gió trên cầu lớn Nam Thành suốt đêm, đến tận lúc bình minh, khi trời sắp sáng, thì tiếng của Thẩm Thanh Hoài xen lẫn tiếng động cơ xe đang đi đến. Xe dừng lại kế bên, Thẩm Thanh Hoài thò đầu ra khỏi cửa sổ, nghiêm túc nhìn tôi: “Tang Hà, em muốn làm gì?”

Tôi còn chưa kịp mở miệng, thì đã hắt hơi, sắc mặt của Thẩm Thanh Hoài càng trở nên khó coi. Anh xuống xe, cởi áo khoác ngoài khoác cho tôi rồi thô bạo đẩy tôi vào ghế phụ của xe rồi điều chỉnh lại nhiệt độ cho điều hòa, xuống cầu quay đầu xe lại, lái xe trở về đường cũ. Cả quá trình Thẩm Thanh Hoài không nói với tôi một lời nào. 

“Thẩm Thanh Hoài, anh như vậy không tốt đâu. Mới hai mươi tám tuổi mà đã nghiêm túc như một ông già vậy.” 

“Không biết lớn nhỏ, gọi tôi là sư thúc.”

Tôi mỉm cười, cũng chẳng có ý kiến gì.

Trên đường về, trời càng lúc càng sáng, khi đi qua ngã tư ở trung tâm thành phố, tôi chợt nhận ra anh định lái xe đi về nhà tôi nên vội vàng nói: “Thẩm Thanh Hoài, anh định làm gì thế? Anh muốn em sống một mình trong căn nhà lớn có người chết sao?”

Thẩm Thanh Hoài cho xe đi chậm lại, quay sang nhìn tôi với ánh mắt vô cùng phức tạp. Tôi hiểu rằng anh muốn tôi cư xử như người bình thường – cô gái mười tám tuổi đã mồ côi bố. Nhưng có vẻ những mô tả này không phải là trải nghiệm mà một cô gái bình thường sẽ gặp phải. 

Thứ hai tuần trước– còn mười ngày nữa là đến sinh nhật lần thứ mười tám của tôi, bố tôi lên cơn đau tim và qua đời trên bàn làm việc của ông cùng với bức tranh ‘Mẫu đơn tranh xuân đồ’ còn đang vẽ dở dưới khuỷu tay. 

Bố của tôi là Tang Hoài Viễn, là một người rất nổi tiếng ở Nam Thành. Trong đám tang của ông, dòng người đến chia buồn không ngớt. Nhưng một người tôi cũng không gặp, tôi đã tự nhốt mình trong phòng sách, dùng những nét vẽ vụng về để vẽ tiếp bức tranh của ông rồi đốt nó đi. 

Hôm đó trời mưa rất to, lúc tôi ra khỏi phòng sách đã nhìn thấy Thẩm Thanh Hoài đang ngồi trong phòng khách, mái tóc đen của anh ướt sũng nước mưa. 

Thẩm Thanh Hoài nhìn tôi: “Không sao đâu Tang Hà, sau này vẫn còn có anh.”

Nếu Thẩm Thanh Hoài biết rằng anh sẽ gặp rắc rối như bây giờ, tôi nghĩ lúc đó anh ấy nhất định sẽ không nói ra những lời như vậy.

Trở lại căn hộ của anh, tôi bị anh giục đi tắm rửa. Khi tôi bước ra, Thẩm Thanh Hoài đang cầm một que diêm và thắp từng ngọn nến trên chiếc bánh. Anh ngẩng đầu lên, ánh mắt lấp lánh: “ Trễ mất sáu tiếng, chúc mừng sinh nhật em.”

Tôi im lặng không nói lời nào cả.

“Còn một tháng nữa là đến kì thi tuyển sinh đại học rồi, đừng lộn xộn nữa.”

Anh không đem người bố đã mất ra để tạo áp lực cho tôi, điều này làm cho trong lòng tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi bước đến đếm một vòng những nến, nhưng không ước, một hơi thổi tắt nến, cầm dao cắt một miếng bánh đưa đến cho Thẩm Thanh Hoài. Anh không thích đồ ngọt nhưng vì không muốn làm tâm trạng tôi tệ hơn nên cầm nĩa lên cắn vài miếng.

Thẩm Thanh Hoài không có trách nhiệm phải chăm sóc tôi, nhưng con người anh rất hào phóng và tốt bụng. Nếu gặp phải mèo hoang ngoài đường lúc trời mưa, anh sẽ không ngần ngại nhường lại chiếc ô để che cho chúng. Anh sợ sau khi bố tôi qua đời thì tôi sẽ không có tâm trạng để tổ chức sinh nhật cho mình, vì thế anh cẩn thận nói ra từng lời chúc phúc: “Tang Hà, hôm nay em đã trưởng thành rồi. Chúc em cả đời này luôn đi về phía ánh sáng, không cần quay đầu nhìn về bóng tối.”

Khi trời vừa sáng, tôi ngủ trong phòng khách ở căn hộ của anh. Bộ chăn ga gối đã được giặt sạch vừa mới được phơi khô tỏa ra mùi thơm dịu nhẹ, tôi ôm một cái gối, với bầu không khí ấm áp này cuối cùng thì tôi chìm vào giấc ngủ.

Tôi đã bị cơn ác mộng đánh thức.

Trong mộng, tôi đi qua hành lang sâu hun hút, thảm trải sàn trong phòng sách rất dày, nhưng khi bước lên lại không hề gây ra tiếng động nào. Bố tôi đang ngủ bên bàn làm việc, tôi nhẹ nhàng bước đến đưa tay chạm vào vai ông rồi nói: “Bố ơi, đến giờ ăn tối rồi.”

Bố tôi không có bất kỳ phản ứng nào, tôi đưa tay định đẩy thì chợt thấy tay ông nắm chặt áo trước ngực. Tay ông lạnh ngắt giống như vật chết vậy.

Tôi ngồi bật dậy, thở hổn hển, mồ hôi lạnh chảy từng dòng. Trong căn phòng được kéo rèm cửa nên tối đen như mực, không thể phân biệt được ngày hay đêm. 

Có tiếng gõ cửa, tôi nghe giọng mình khàn đi: “Mời vào…”

Thẩm Thanh Hoài vội vàng đi tới: “Tang Hà, sao vậy?”

Tôi đưa tay lên ấn thái dương: “Em nằm mơ, nhìn thấy tình cảnh phát hiện ra bố em chết.”

Thẩm Thanh Hoài yên lặng nhìn tôi một lúc rồi đưa tay chuẩn bị kéo rèm cửa. Tôi vội vàng ngồi dậy, ôm lấy anh: “Thẩm Thanh Hoài, em không nghĩ cái chết của bố đơn giản như vậy.”

“Tăng Hà, hãy nén bi thương.”

Tôi ra sức lắc đầu: “Anh cũng biết bố em là người như thế nào, ông ấy thận trọng như vậy, biết mình bị bệnh tim sao lại không chuẩn bị thuốc trước? Lúc nào cũng đem theo lọ thuốc, khi nào ông ấy ra ngoài còn phải kiểm tra kỹ đến ba lần—Tại sao hôm đó lọ thuốc lại rỗng được chứ?”

Tôi không để Thẩm Thanh Hoài lên tiếng, cố gắng thuyết phục anh bằng nhiều bằng chứng khác nhau: “... Anh biết không, sau đó em đã kiểm tra điện thoại di động của bố và lịch sử cuộc gọi đã bị xóa hết. Bố em không hề có thói quen như vậy.”

Thẩm Thanh Hoài không lên tiếng, tôi cũng đã triệt để thất vọng.

Anh kéo rèm cửa, ánh hoàng hôn chói mắt từ cửa kính chiếu vào khiến tôi không chịu được mà nhắm mắt lại: “...Thẩm Thanh Hoài, bố em mới bốn mươi hai tuổi, ông còn rất trẻ.”

2

Khi tám tuổi tôi đã gặp Thẩm Thanh Hoài.

Bố tôi theo học Vương Tri Hành, một họa sĩ tranh truyền thống Trung Quốc nổi tiếng ở Nam Thành và ông đã nổi tiếng từ khi mới ra mắt. Năm đó Thẩm Thanh Hoài mới mười tám tuổi đã trở thành học trò thứ hai của Vương Tri Hành. 

Nhà Vương Tri Hành mở tiệc đãi học trò mới của mình. Lúc đó tôi cũng theo bố tôi học vẽ nên cũng gọi Vương Tri Hành một tiếng “sư công”. Lúc tôi đến, sư công đã trêu chọc tôi cũng trêu chọc Thẩm Thanh Hoài: “Tang Hà, gọi nó là sư thúc.”

Thẩm Thanh Hoài 18 tuổi mặc áo sơ mi trắng, phong cách thanh nhã như đinh gia thụ, nhưng trên người khí chất thiếu niên vẫn không mất đi. Tôi thật sự không thể liên hệ giữa anh và từ “chú” vì vậy chu miệng không vui mà gọi “sư thúc”. 

Thẩm Thanh Hoài cười, gọi tôi một tiếng: “Tang Hà.”

Đêm đó bữa tiệc kéo dài đến tận khuya mới tàn tiệc, vậy mà Vương Tri Hành lại bắt đầu bàn luận, vợ ông Phương Uyển cũng thức đêm bầu bạn, bầu rượu cứ hâm lên rồi lạnh, lạnh rồi lại hâm, tôi thật sự rất buồn ngủ nên thiếp đi trên đầu gối bố, trước khi ngủ thiếp đi tôi còn thấy cảnh Thẩm Thanh Hoài đứng thổi sáo. Tiếng sáo du dương khiến tôi nghĩ đến bài thơ tôi vừa đọc, tán nhập xuân phong mãn Lạc Thành. 

Sau này, Thẩm Thanh Hoài cũng thường đến nhà tôi. Sự nghiệp của bố tôi đã công thành danh toại nhưng anh vẫn còn túng quẫn. Bố thường âm thầm giúp anh, chuyện mà ông thường làm nhất chính là nói dối đã mua nhầm họa cụ sau đó đem bút, mực, nghiên, giấy tặng cho Thẩm Thanh Hoài.

Đương nhiên Thẩm Thanh Hoài biết rõ ràng điều ấy, năm hai mươi bốn tuổi anh bắt đầu bộc lộ tài năng, chuyện đầu tiên mà anh làm khi bán được bức tranh đầu tiên là tặng cho bố tôi một khối đá thọ sơn mà bố tôi đã thích từ rất lâu, trên đó còn tự tay khắc “Vạn lai sinh sơn” . 

Mối quan hệ của tôi và Thẩm Thanh Hoài đương nhiên không giống với bố tôi. Anh hơn tôi mười tuổi, lại còn là “trưởng bối” cho nên rất nuông chiều tôi. 

Năm tôi mười bốn tuổi đã gây ra chuyện, mà không dám nói với bố nên đã gọi điện cho Thẩm Thanh Hoài đến gặp giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm rất giận dữ mà giáo huấn, Thẩm Thanh Hoài vẫn trước sau vẫn cung kính đáp: “Cảm ơn cô đã lo lắng, sau này tôi nhất định tôi sẽ quản lý Tang Hà thật tốt.”

Tôi ở bên cạnh nhịn cười, không nhịn được mà lén liếc nhìn Thẩm Thanh Hoài. Lúc hai mắt chạm nhau, biểu cảm của anh vô cùng bất lực. 

Khi chúng tôi ra khỏi cổng trường trời cũng đã tối, Thẩm Thanh Hoài mua cho tôi một cây kem ốc quế, tôi bước lên ven đường vươn một tay ra để giữ thăng bằng, xiêu xiêu vẹo vẹo mà bước si, vừa đi vừa ăn kem ngọt ngọt béo béo. 

Thẩm Thanh Hoài sợ tôi ngã nên vẫn luôn theo sát bên, luôn ở phía sau để đỡ tôi: “... Tại sao lại đánh bạn?”

“Em không có đánh, chỉ nói hai ba câu khó nghe, ai mà biết được vậy mà cậu ta cũng bị dọa khóc, lại còn quay ngược lại vu cáo em đánh cậu ta.” Tôi trợn trắng mắt: “Làm ơn đi, sao em đánh lại cậu ta chứ?”

Thẩm Thanh Hoài cười: “Cậu ta nói gì với em?”

“Cậu ta nói sau này muốn cưới em— ai mà muốn gả cho cậu ta chứ, em chỉ muốn gả cho anh thôi. Thẩm Thanh Hoài, anh phải đợi em lớn lên đó.”

Đương nhiên Thẩm Thanh Hoài chỉ coi những lời này là trò đùa của trẻ con, cười nói: “Chờ em lớn lên thì anh đã già rồi.”

Tôi lắc đầu, kiên quyết nói: “Trong lòng em, anh mãi mãi không già.”

Mãi mãi vẫn là thiếu niên mặc áo sơ mi trắng thổi sáo dưới ánh đèn kia. 

Ngày hôm đó, tôi cùng Thẩm Thanh Hoài đã đi cùng nhau trên đoạn đường rất dài, từ lúc hoàng hôn đến lúc xung quanh chỉ còn lại bóng tối. 

3

Tháng sáu kì thi đại học cũng kết thúc.

Toàn bộ kỳ nghỉ hè, tôi đều ở căn hộ của Thẩm Thanh Hoài, tôi dành hai tiếng đồng hồ trong ngày để vẽ tranh thời gian còn lại thì cắm đầu vào Internet. 

Thẩm Thanh Hoài là một người kỷ luật nên không thể nào nhìn tôi hoang phí thời gian như vậy được: “Tang Hà, mặc dù tháng 9 mới khai giảng nhưng nếu em cứ luyện tập với cường độ như bây giờ thì còn lâu mới đủ, không được đánh mất cảm giác của tay.”

Tôi hứa sẽ luyện tập chăm chỉ, nhưng cuối cùng tôi vẫn làm theo ý mình. Tôi hiểu rõ rằng so với Vương Tri Hành, so với bố tôi, so với Thẩm Thanh Hoài, tôi thực ra không có thiên phú giống như họ, cùng lắm sẽ trở thành một họa sĩ bình thường không bị đói chết mà thôi.

Hôm nay, Thẩm Thanh Hoài vẫn như cũ thúc giục cô đi vẽ tranh, lúc đi vào phòng sách lập tức thấy trên bàn có một tập tranh. Tôi cứ tưởng đó là tác phẩm mới của Thẩm Thanh Hoài nhưng lúc lật ra mới biết là không phải. Thẩm Thanh Hoài chỉ chuyên tranh sơn thủy, đối với việc vẽ chim cá thì không được tốt lắm, nhưng bức tranh này lại là một cặp tôm, chỉ với vài nét bút mà sinh động như thật. 

Tôi đang chuẩn bị xem chữ ký thì cửa phòng sách đột nhiên bị mở ra. 

Hiển nhiên Thẩm Thanh Hoài đến là vì bức tranh này, anh lập tức bước đến trước mặt tôi lấy bức tranh về, cất phía trong ngăn tủ rồi khóa lại, rồi rút chìa khóa ra.

Tôi chưa bao giờ thấy anh hoảng loạn như vậy, không khỏi thắc mắc: “Ai vẽ vậy?”

Thẩm Thanh Hoài không nói một lời, xoay người đi ra ngoài. 

Tháng 8, tôi thi đậu vào trường của anh, Học viện nghệ thuật Nam Thành gửi thư thông báo tôi trúng tuyển. 

Thẩm Thanh Hoài đang học tiến sĩ tại đây, chuyên ngành lý thuyết nghệ thuật. Thông thường anh sẽ giúp giáo viên trợ giảng một hoặc hai môn tự chọn. Năm nhất chưa được chọn các môn tự chọn, nhưng điều đó cũng không ngăn tôi dự thính, hơn nữa còn quang minh chính đại ngồi hàng đầu tiên, ngay trước mặt Thẩm Thanh Hoài. 

Anh cố tình phớt lờ tôi nhưng tôi luôn tìm cách gây một chút rắc rối cho anh. Chẳng hạn như khi anh đang giảng giữa chừng thì giơ tay đặt câu hỏi. Bài giảng của anh tôi nghe rất nghiêm túc, đương nhiên câu hỏi sẽ đi thẳng vào vấn đề khiến anh không thể né tránh được mà phải trả lời. 

Thời tiết bắt đầu trở lạnh, mùa đông ở Nam Thành cũng đã đến.

Tôi vẫn ở nhà Thẩm Thanh Hoài, anh không đuổi tôi đi nên tôi vẫn cứ ở đây.

Đêm giáng sinh Thẩm Thanh Hoài không cần lên lớp, nên tôi cố ý hẹn trước một ngày, hẹn anh ra ngoài ăn tối. Nhưng vào chiều hôm đó tôi nhận được tin của Thẩm Thanh Hoài, nói rằng anh có việc đột xuất nên không thể cùng tôi ra ngoài ăn. Anh còn dặn dò: “Nhớ ăn cơm đúng giờ.”

Tôi biết rất nhiều bạn học cùng lớp với Thẩm Thanh Hoài nên đã hỏi thăm, hóa ra anh đưa một bạn học đột nhiên bị viêm ruột thừa đi bệnh viện. Tôi biết người bạn này của Thẩm Thanh Hoài, là một cô gái tên là Từ Thanh Thanh, cả hai đều đang học tiến sĩ. Tôi cũng biết Từ Thanh Thanh thích Thẩm Thanh Hoài. 

Ma xui quỷ khiến thế nào tôi lại đến bệnh viện kia, tìm được phòng bệnh của Từ Thanh Thanh. Cửa phòng chỉ khép hờ, lúc tôi định gõ cửa thì nghe bên trong có tiếng Thẩm Thanh Hoài: “Thực sự xin lỗi, tôi đã có người trong lòng rồi.”

Tôi rất kinh ngạc nhưng cũng đang mừng thầm. 

Nhiều năm như vậy, người vẫn luôn bên cạnh Thẩm Thanh Hoài chỉ có một mình tôi, người anh thích ngoại trừ tôi thì còn ai nữa chứ?

4

Tôi vẫn đợi ở cửa bệnh viện đến 8 giờ, Thẩm Thanh Hoài mới từ trên lầu đi xuống. 

Không biết tuyết đã rơi từ khi nào, đợi lúc tôi nhận thức được điều này thì bụi cây ở bồn hoa bệnh viện đã được phủ lên một tầng tuyết mỏng. 

Tôi hoàn toàn không cảm thấy lạnh, đi vòng quanh bồn hoa. Suy nghĩ lại những chuyện đã qua, trong lòng càng thêm chắc chắn. 

Anh cho tôi ở lại, nuông chiều tôi còn dạy dỗ tôi như một người anh, một người bạn. Anh cũng chưa từng trực tiếp từ chối lời tỏ tình khi tôi buột miệng nói ra. 

Tôi vẫn nhớ kỹ, hai năm trước lúc Thẩm Thanh Hoài học nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Cho dù rất mệt mỏi nhưng nếu tôi gọi video đến anh nhất định sẽ bắt máy, cho dù rất nhiều lần khi đang nói chuyện anh mệt quá mà ngủ thiếp đi.

Lúc nhận được tin bố tôi qua đời, anh đang ở nơi khác nhưng đã bay về trong đêm. Anh giúp tôi tránh né thực tại, không để tôi đối mặt với sự nỗi đau của bất kỳ ai. Mọi việc trong tang lễ đều do một mình anh gánh vác.

Sau đó, khi anh dầm mưa từ hiện trường tang lễ trở về đã nói với tôi: “Tang Hà, sau này vẫn có anh.”

Có được sự chắc chắn đó, đầu tôi lập tức nóng lên, hận không thể lập tức nhìn thấy Thẩm Thanh Hoài nhưng với nghị lực đáng kinh ngạc, tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi. 

Miễn là chuyện tốt, tôi không sợ sự chờ đợi.

Thẩm Thanh Hoài đi từ cửa lớn bệnh viện ra vừa nhìn thấy tôi đã vô cùng kinh ngạc: “Tang Hà, sao em lại ở đây?”

Tôi đi vài bước đến chỗ anh: “Thẩm Thanh Hoài, chúng ta đi ăn cơm đi.” 

Đêm giáng sinh, nhưng lại tràn ngập không khí lễ Tình nhân, ngay ở cửa quảng trường ở trước cửa bệnh viện cũng có mấy đứa trẻ chào bán hoa hồng. 

Nhưng lần này Thẩm Thanh Hoài lại không đáp ứng yêu cầu của tôi, anh có vẻ mệt mở đưa tay ấn giữa lông mày: “Tang Hà, chúng ta về nhà ăn đi. Ăn ở ngoài nhất định phải đợi bàn, đậu xe cũng không dễ gì.”

Tôi cười nói: “Được thôi, đi đâu cũng được.”

Về đến nhà, tôi nói Thẩm Thanh Hoài ngồi xuống nghỉ ngơi còn mình thì vào bếp loay hoay một hồi. Cuối cùng mang ra một bếp điện từ, nồi lẩu cùng mấy rổ đồ ăn đã rửa sạch. Trong nồi nấu có nước cốt lẩu và nước nóng, một lát sau thì sôi ùng ục. Tôi bỏ đồ ăn lâu chín vào trước sau đó đến tủ lạnh lấy ra hai chai bia. 

Thẩm Thanh Hoài uống một ngụm bia, vẻ mệt mỏi trên mặt tan đi một chút: “Sao hôm nay chăm chỉ vậy?”

Khói trắng lượn lờ từ khe hở giữa nắp nồi, tôi nhìn anh: “...Anh không có lời nào nói với em sao?”

Thẩm Thanh Hoài hơi sửng sốt. 

Tôi cười cười, không khỏi cảm thấy hơi thẹn thùng: “Em nghe thấy anh và Từ Thanh Thanh nói chuyện, anh nói anh đã có người trong lòng rồi.”

Thẩm Thanh Hoài chợt dừng lại rồi sau đó im lặng một cách kì dị. 

Trái tim tôi đột nhiên trầm xuống: “Anh…”

Hóa ra người đó không phải tôi. 

Hơi nóng truyền đến mắt tôi hơi đau, tôi cố kiềm chế cảm xúc: “...Thẩm Thanh Hoài, bây giờ anh vẫn còn cho rằng em nói thích anh là đùa sao?”

“Thật xin lỗi.” Thẩm Thanh Hoài trịnh trọng nói: “Tang Hà, đúng là anh đã nghĩ rằng em nói đùa, nếu thái độ của anh…”

“Anh im đi!” Tôi cắt ngang anh: “Vậy tại sao anh lại cho em ở đây?”

“Sư huynh có ơn rất lớn với anh…”

“Thẩm Thanh Hoài, lý do này em không thể chấp nhận được.”

Thái độ của Thẩm Thanh Hoài vô cùng bình tĩnh: “Tang Hà, có phải em đã quên rồi? Anh lớn hơn em mười tuổi, còn là trưởng bối của em.”

 5

Tôi khăng khăng đòi về nhà mình. 

Chỉ khi còn một mình, tôi mới phát hiện căn biệt thự này trống trải như thế nào. Lâu không có người ở nên trong nhà đầy bụi bặm, tôi không thuê người dọn vệ sinh, tôi đã mất ba ngày để tự tay quét dọn từ dưới lên trên.

Cho đến hôm nay, khi không còn Thẩm Thanh Hoài là chỗ dựa nữa, cuối cùng tôi đã hoàn toàn chấp nhận sự thật rằng bố tôi sẽ không bao giờ quay trở về nữa. 

Đêm giao thừa, Thẩm Thanh Hoài đến chúc Tết. Tôi đứng sau cửa sổ phòng sách trên lầu nhìn thấy anh đứng dưới lầu hồi lâu, cuối cùng cũng mềm lòng. 

Căn hộ của Thẩm Thanh Hoài từ lúc tôi chuyển ra ngoài cũng không có gì thay đổi. 

Anh hỏi tôi: “Em vẽ tranh không?” Tôi cũng im lặng không nói. 

“Em đi tập luyện đi.” Anh chỉ vào phòng sách của mình: “Chút nữa cơm mới chín.”

Bước vào phòng sách, tôi mở giấy Tuyên Thành ra rồi dùng chặn giấy chặn lại. Lúc đếm hộp màu, tôi phát hiện không có hoàng đằng. Thẩm Thanh Hoài thường dự trữ màu trong ngăn kéo, tôi đã từng thấy anh lấy ra. 

Lúc mở ngăn kéo ra, bên trong có một khung ảnh. Tôi cầm khung ảnh lên, nhìn thấy là một tấm ảnh quen thuộc, nó được chụp vào hôm anh ăn tối tại nhà Vương Tri Hành cũng là ngày đầu tiên anh bái sư. Bố tôi cũng có một tấm ảnh như vậy. Bố đang ngồi trên ghế ôm tôi đang ngủ say, Vương Tri Hành đứng phía sau cùng vợ ông ấy là Phương Uyển, Thẩm Thanh Hoài đứng cạnh Phương Uyển, ngại ngùng cười. 

Khung ảnh này Thẩm Thanh Hoài vẫn luôn để trên bàn, tại sao bây giờ lại bỏ vào ngăn kéo?

Bữa cơm tất niên này ăn trong bầu không khí khá nặng nề, ra về chẳng được vui.

Sang năm mới, Vương Tri Hành liên hệ tôi nói là muốn vì bố tôi mà mở một buổi triển lãm tranh. Trong thời gian này tôi toàn ở trong phòng sửa sang lại di tác của bố, càng xem càng thấy mình kém bố rất nhiều, càng canh cánh trong lòng chuyện bố quên lọ thuốc rỗng và lịch sử cuộc gọi bị xóa kia.

Khi sửa sang xong, tôi đem hơn mười bức tranh đi tìm Vương Tri Hành. Việc học trò yêu quý còn trẻ như mặt trời ban trưa qua đời đối với ông ấy cũng là một loại đả kích vô cùng lớn. Ông ấy không nhịn được mà nhìn tôi thở dài.

Phương Uyển bưng một chén trà nhỏ đến, dịu dàng hỏi thăm tôi tình hình gần đây: “Con còn vẽ tranh không?”

“Dạ còn.”

“Sư ông luôn lo lắng vì chuyện này con sẽ bỏ luyện tập. Hôm nay nếu đã đến đây, hay là con vẽ một bức tranh nhỏ cho ông ấy xem, để ông ấy được yên tâm?”

Tôi cũng đồng ý đi đến phòng sách của Phương Uyển.theo tôi đến sát cửa, vừa liếc mắt lên bàn đã vội nói: “ Cô quên chưa dọn dẹp, Tang Hà, con đợi một chút.”

Tôi nhìn thoáng qua tay cô ta, lập tức sửng sốt–đó là một cặp tôm, cùng với cái trong trí nhớ của tôi hoàn toàn giống nhau. 

“Cái này… Là cô vẽ sao?”

Phương Uyển cười ngượng ngùng: “Ừ… cô bắt đầu muộn hơn mọi người, vẽ thử, để con chê cười rồi.”

Vương Tri Hành năm nay sáu mươi tuổi nhưng Phương Uyển nhỏ hơn ông tận hai mươi lăm tuổi, năm nay mới ba mươi lăm tuổi. Mọi cử chỉ và điệu bộ của cô ta đều toát ra sự mê hoặc. 

Mười năm trước, lúc Thẩm Thanh Hoài mới gặp cô ta, cô ta bao nhiêu tuổi? Đúng rồi, cô ta mới hai mươi lăm tuổi.

Tôi như bị người khác đánh một gậy vào đầu, trước mắt đều là màu đen không nghĩ được gì nữa.

Tôi không biết mình rời khỏi nhà họ Vương như thế nào, trên đường trở về gió lạnh thổi vào người cũng không hay biết. Tôi đột nhiên nhớ đến năm ngoái, khi tôi một mình trên cầu Nam Thành hứng gió suốt một đêm, khi Thẩm Thanh Hoài tìm được tôi. Trái tim giống như chiếc thuyền nhỏ trên sông, vô cùng lung lay nhưng lại vô cùng sáng ngời. 

Hóa ra tuổi tác không phải là lý do, “vai vế” cũng không phải là lý do.

Anh không thích tôi mới chính là lý do lớn nhất. 

6

Việc tôi đi tìm nguyên nhân cái chết của bố lại tiến triển ngoài ý muốn. 

Vào tháng tư tôi có đi xem buổi triển lãm tranh. Cuộc triển lãm có tiêu chuẩn rất cao nên tất cả những tác phẩm được trưng bày đều là những họa sĩ hàng đầu trong nước.

Bố cục của buổi triển lãm được phân ra thành từng đơn vị, tôi thấy chủ đề của Vương Tri Hành trên tầng hai. Với địa vị của ông ấy trong ngành, lần triển lãm tranh nữ chắc chắn sẽ có chỗ.

Nhưng khi tôi nhìn thấy bức “Song sắc phù dung đồ” đột nhiên muốn dừng chân lại xem, cảm thấy nó có chút kỳ lạ. 

Tôi không kiềm chế được ghé sát lại, dường như là áp sát lên tấm kính dày, tôi mở to hai mắt quan sát bút pháp của bức tranh. 

Một loại cảm giác sợ hãi truyền từ gót chân dần dần lan lên, truyền ra khắp cơ thể tôi. 

—Bức tranh này không phải do Vương Tri Hành vẽ, mà là do bố tôi vẽ. 

Từ năm sáu tuổi tôi đã theo bố tập vẽ, không ai có thể rõ bút pháp của ông hơn tôi. Việc dùng màu sắc và thói quen lưu lại ký hiệu có một không hai của ông.

Tôi chạy ra khỏi triển lãm tranh và đến trường tìm Thẩm Thanh Hoài. 

Anh đang cho học sinh tự học nhưng tôi không thể chờ anh tan làm được nữa. Tôi đứng ngoài cửa nhắn cho anh một tin nhắn, ba phút sau đã thấy anh cầm sách bước ra ngoài.

Tôi ôm lấy cánh tay anh kéo ra bên ngoài, mạnh mẽ không cho anh có cơ hội từ chối. 

Rời khỏi khu dạy học, lúc đến giữa sân thể dục tôi mới buông anh ra. Ánh nắng hai giờ chiều như thiêu đốt nhưng tôi vẫn rét run, cả người run rẩy: “Thẩm Thanh Hoài, bố em là do Vương Tri hành hại chết.”

Thẩm Thanh Hoài ngẩn người: “Em nói gì chứ?”

Tôi lấy điện thoại đưa anh xem tấm ảnh vừa chụp ở buổi triển lãm: “ Anh cảm thấy bức tranh này quen không?”

“Đây là tranh của sư huynh…” Thẩm Thanh Hoài nhìn đến phần ghi tên trên bức tranh thì đột nhiên im bặt.

“Anh cũng nhìn ra rồi đúng không? Lúc bố em vừa xuất đạo thì đã bị gọi là ‘Vương Tri Hành thứ hai’, ai cũng biết phong cách hai người họ rất giống nhau, đến mức người ngoài sẽ không thể nhận ra, nhưng..” Tôi vội vàng bước đến một bước: “Thẩm Thanh Hoài anh có thể nhìn ra đúng không? Đây là bức tranh của bố em, không phải của Vương Tri Hành! Là ông ấy giết bố em, dùng thủ đoạn này để cướp đoạt tác phẩm của bố em…”

“Tang Hà, em bình tĩnh một chút.”

Tôi nắm lấy cánh tay của Thẩm Thanh Hoài: “Thẩm Thanh Hoài, anh cùng em đi báo án, em nhất định phải lấy lại công bằng cho bố.”

“Em có chứng cứ không?”

Tôi ngẩn người.

“Chứng cứ trực tiếp mà thầy làm hại bố em? Chỉ dựa vào một bức tranh không có cách nào kết án được, sẽ tổn hại đến danh dự của thầy. Huống hồ, làm sao em biết được không phải là bố em tự nguyện tặng thầy?”

Tôi hít ngược một hơi khí lạnh: “Thẩm Thanh Hoài, anh hiển nhiên lại đi giúp đỡ Vương Tri Hành?”

“Tang Hà, bây giờ em phải bình tĩnh, chúng ta từ từ…”

Tôi không thể bình tĩnh nổi, sự sợ hãi cùng lửa giận sắp thiêu tôi thành than: “Anh giúp Vương Tri Hành cũng là giúp đỡ Phương Uyển đúng chứ? Anh không đành lòng nhìn cô ấy khó xử đúng chứ?”

“Em nói cái gì?”

Tôi lùi về sau một bước, lạnh lùng nhìn Thẩm Thanh Hoài: “Anh cho rằng anh giấu kỹ lắm sao? Thẩm Thanh Hoài, anh luôn nói em thích anh là nói "đùa", vậy anh nói xem anh thích vợ thầy có phải cũng "đùa" hay không?”

Vừa dứt lời tôi lại đột nhiên ngây người. 

Một sự tuyệt vọng lan vào tâm trí tôi. Lúc nói đến chuyện này, tôi biết nước đã đổ đi khó mà hốt lại.

7

Tháng 7, tôi rời khỏi Nam thành mà không nói với ai. 

Tuy rằng hận Thẩm Thanh Hoài không kề vai sát cánh cùng chung kẻ địch nhưng sau này chờ cơn giận lắng xuống, tôi lại nghĩ lời anh nói mặc dù máu lạnh nhưng đều là sự thật. Chỉ cần không tìm thấy chứng cứ, chỉ cần tôi vẫn ở trong thế lực của Vương Tri Hành thì sẽ không thể giúp bố trả thù.

Số tiền tiết kiệm của bố đủ để tôi sống cuộc sống lang thang bất định. Tôi hoàn toàn từ bỏ hội họa truyền thống Trung Quốc mà tôi đã học gần mười lăm năm để bắt đầu sử dụng bột nước và màu nước, vẽ một ít truyện ngắn, xứng với danh rảnh rỗi không có gì làm.  Đồng thời lúc nhận nhuận bút tôi cũng dần dần có được một ít danh tiếng. 

Chưa có một ngày nào tôi quên phải trả công bằng cho bố. Ba năm tiếp theo, tôi đến hàng trăm triển lãm lớn bé, tham gia hơn 30 hội đấu giá để sưu tập rất nhiều chứng cứ Vương Tri Hành chiếm đoạt tác phẩm của bố tôi. 

Cũng có một ngày nào mà tôi thực sự quên đi Thẩm Thanh Hoài. 

Tháng mười, tôi ở lại một tòa nhà thành thị ở phương Bắc, lúc chạy bản thảo lại bị bệnh nặng. Tôi thuê nhà ở một mình, lúc hôn mê sốt cao đã mơ thấy Thẩm Thanh Hoài. 

Có một năm Thẩm Thanh Hoài cùng tôi đi biển. Tôi bị một cơn sóng hơn đầu cuốn ngã xuống đất, anh vội vàng chạy đến nhưng tôi lại vươn tay kéo anh cùng ngã xuống. Ranh giới giữa bầu trời và biển xanh như giấc mơ, tôi hét lên trời: “Thẩm Thanh Hoài! Chờ em lớn lên!”

Thế nhưng về sau khi đã lớn lên, gặp gỡ rồi biệt ly, chúng tôi xa cách, tôi trở thành kẻ tha hương, không thể quay về.

Tôi tỉnh dậy giữa cơn hôn mê, cố gắng đi ra cửa đi xuống lầu rồi bắt một chiếc taxi đến bệnh viện. Viêm phổi, tệ hơn là nhiễm trùng đường hô hấp trên khiến tôi đau họng, thậm chí nuốt cũng khó khăn. 

Thức dậy lúc nửa đêm, quay đầu nhìn thấy một mảnh ánh trăng từ cửa sổ hắt vào, rơi trên mặt đất như sương. Lúc còn nhỏ, câu thơ tôi thuộc lòng đầu tiên đó là “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương.”

Tôi nhìn ánh trăng sáng tỏ lại ngơ ngẩn một hồi, không hề hay biết nước mắt đã chảy dài trên khuôn mặt mình. 

Cuối cùng tôi nhịn không được lấy điện thoại dưới gối ra, nhắn cho Thẩm Thanh Hoài một tin nhắn. 

[Thẩm Thanh Hoài, em nhớ anh] 

Anh ở gần bên hay xa cách, nụ cười dịu dàng của anh, ánh mắt sáng ngời lại lạnh lùng của anh, mãi mãi là thiếu niên áo trắng thổi sáo dưới ánh trăng đêm đó. 

Nghe tiếng liễu gãy trong đêm, nhưng lại không nguôi nỗi nhớ quê. 

Tin nhắn được truyền đi nhưng tôi không đủ dũng cảm để chờ Thẩm Thanh Hoài trả lời, lập tức ném SIM điện thoại vào thùng rác. 

8

Cuối năm, biên tập viên của nhà xuất bản đã liên hệ với tôi, họ nói rằng sau khi xuất bản tập truyện tranh mới vào tháng tư sẽ có một buổi ký tặng sách và hỏi tôi có muốn tham gia hay không. Cô ấy đưa tôi địa chỉ của hai thành phố, và Nam thành là một trong số đó. 

Tôi do dự hồi lâu nhưng cuối cùng cũng đồng ý. 

Trước sinh nhật tôi vào tháng 5, sau bốn năm xa quê, tôi trở lại Nam thành một lần nữa, và vẫn như cũ, tôi không liên lạc với ai. 

Địa điểm buổi ký tặng là ở Đại học Nam thành, giảng đường chật ních người đang chen chúc xô đẩy. Tôi vùi đầu vào viết, sau hai tiếng, cuối cùng cũng thấy hàng người chỉ còn lại một đoạn nhỏ. 

Tôi tạm biệt độc giả rồi nhận lấy một lá thư. Trên trang đầu ghi một dòng chữ nhỏ, tôi nhìn thoáng qua lập tức sửng sốt:  

“Cảm ơn Tang Hà: Chúc em một đời tiến đến ánh sáng, không cần quay đầu nhìn về bóng tối.”

Tôi đột nhiên ngẩng đầu, nhưng người phía trước không phải là Thẩm Thanh Hoài mà là một cô gái xa lạ. 

Tôi vội vàng nói: “Cái này…”

“Có một vị giáo sư nhờ em đến đây, những lời này là do anh ấy chúc chị.”

Tôi thất thần ký nốt cho những người còn lại, đây là lần thứ tư tôi đổi số điện thoại liên tiếp, nhưng tôi vẫn không liên lạc với Thẩm Thanh Hoài. 

Buổi ký tặng kết thúc, tôi không trở về phía bắc mà ở lại Nam thành. Trước sinh nhật tôi một ngày, tôi lại đến cầu Nam thành. 

Gió sông mênh mông cuồn cuộn, lớn đến nỗi dường như để lại âm vang trong lòng người. 

Đến gần nửa đêm, bỗng nhiên trong cơn gió cuốn theo tiếng động cơ xe âm thầm, tôi ngơ ngác quay đầu lại. 

Thẩm Thanh Hoài, 32 tuổi, vẫn đi chiếc xe Chevrolet cũ, lúc hạ cửa kính xuống, nhìn thấy tôi, trên mặt anh cũng có biểu cảm khó tin y hệt. 

Tôi cười nói: “Chào anh, Thẩm Thanh Hoài.”

Thẩm Thanh Hoài vội vàng dừng xe, từ trên ghế lái bước xuống, đi đến trước mặt tôi: “Anh chỉ ghé qua đây xem thử thôi.”

“Vậy hôm nay anh may mắn đó.”

Anh nhìn tôi từ đầu đến chân: “Em có khỏe không?”

Tôi nhún vai: “Em vẫn ổn.”

Chúng tôi nói chuyện rất nhiều. Thẩm Thanh Hoài không đề nghị đi đâu, tôi cũng không có ý kiến gì. Chúng tôi chỉ đứng cạnh nhau, lắng nghe tiếng gió lớn từ sông thổi qua. 

Ở bên cạnh như chưa từng xa cách, tôi từng nghĩ tôi và Thẩm Thanh Hoài sẽ không bao giờ trở về như thế này nữa. 

Tôi vươn ngón tay chỉ về ánh đèn thuyền chài trên mặt sông đen tuyền: “Sáng thật đấy, anh nhỉ?”

Tựa như năm đó, tôi không biết tự lượng sức mình, tôi vì anh mà rung động. 

Thẩm Thanh Hoài không nói gì. 

Sau khi im lặng một chút, anh lùi về phía sau một bước: “Tang Hà, anh phải đi rồi. Anh có chuẩn bị một món quà sinh nhật, mong em thích nó.”

“Cái gì?”

Anh không trả lời, xoay người đi về phía xe. Xe chạy lên phía trước, cuối cùng anh cũng ngoái đầu nhìn tôi một cái: “Sinh nhật vui vẻ.”

Với giọng điệu nặng nề, lời chúc sinh nhật anh nói ra lại hệt như lời từ biệt. 

Tôi về khách sạn ngủ một giấc. Lúc tỉnh lại, trên mạng đã bùng nổ tin tức “Họa sĩ nổi tiếng của Trung Quốc Vương Tri Hành bị tình nghi giết người, đang bị cảnh sát giam giữ phục vụ điều tra.”

Nhất thời tôi đã cho là mình nhìn nhầm, tôi đọc lại tin tức rất nhiều lần, cuối cùng cũng xác nhận. 

Tôi không hề do dự chạy đến chung cư của Thẩm Thanh Hoài, và gặp được anh ngay dưới lầu.

“Thẩm Thanh Hoài!”

Anh dừng bước chăm chú nhìn tôi một lát rồi bật cười: “Em nhận được quà sinh nhật chưa?”

“Anh đang đi đâu vậy?”

“Tự thú.” Anh bình tĩnh đáp: “Đấu tranh với kẻ ác, cuối cùng cũng trở thành kẻ ác. Để lấy được tín nhiệm của Vương Tri Hành, anh đã làm không ít chuyện dơ bẩn, anh không thể nói cho em được.”

Nước mắt tôi tràn ra, chạy vài bước đến ôm lấy anh: “Thẩm Thanh Hoài! Anh thật xấu xa!”

Anh vươn tay ra ôm tôi. 

Tôi khóc không màng hình tượng, nước mắt nước mũi đều chảy lên quần áo anh: “Thẩm Thanh Hoài, tại sao… có gì đáng để anh chôn vùi sự nghiệp. Người anh thích, chẳng lẽ không phải…”

“Đã từng thích nhưng bây giờ thì không.” Anh thở dài, giọng nói như đã trút được gánh nặng: “Anh xin lỗi, anh đến muộn.”

Tôi không muốn nghe gì cả, tôi ôm anh rồi khóc lớn. 

Thẩm Thanh Hoài liên tục an ủi tôi. Cho đến khi mặt trời ngả về phía tây từng chút một, cuối cùng anh cũng rời đi. 

Chúng tôi cùng nhau bôn ba qua bao đêm rộng sông dài, tiếng kèn đoàn tụ vừa vang lên đã đột ngột lặng yên. Thẩm Thanh Hoài, anh đúng là một người lý trí đến tàn nhẫn. 

Nhưng chính tôi nguyện chờ anh. 

Anh luôn chúc tôi cả đời hướng về ánh sáng không phải quay đầu nhìn về bóng tối. Thế nhưng anh lại vì tôi mà dứt khoát nhảy vào bóng tối đó

Chỉ cần như vậy, tôi không sợ chờ lâu.

Trên thế gian này còn ai tốt bằng anh?

 9

 Vài ngày sau, vụ án kinh tế của Thẩm Thanh Hoài cũng bắt đầu được điều tra. 

Tôi ở lại căn nhà trống của anh, vẽ tranh, chạy bản thảo, thay anh chăm sóc mèo hoang nhặt về từ tiểu khu, bình tĩnh sống qua ngày. 

Tôi toàn tâm toàn ý chờ anh trở về. 

Năm ngoái ở bệnh viện, sau khi tôi nhắn cho Thẩm Thanh Hoài một tin lập tức ném sim đi nhưng không được quá năm phút lại nhặt về. 

Lúc khởi động lại máy, tin nhắn trả lời của Thẩm Thanh Hoài hiện lên: 

[Tang Hà, quay về bên anh đi.]

Tôi không trả lời lại, nhìn chằm chằm dòng chữ này. Cố nhìn đến mức nước mắt giàn giụa, sợ khi mở ra lần nữa tất cả chỉ là ảo giác. 

Lúc còn nhỏ nằm lên đùi bố ngủ giữa tiếng sáo, khi tỉnh lại đã thấy trên mặt đất đầy ánh sáng. 

Tôi ngáp một cái hỏi Thẩm Thanh Hoài: “Đó là sương à?”

“Đó là ánh trăng.”

Cũng là một mảnh tâm tình anh rót vào bình ngọc của tôi. 


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play