Hồ Sơ Mật Liên Xô

Bức thư của người bệnh (1)


9 tháng

trướctiếp

Di chúc của Lênin – Mối quan hệ giữa Stalin và Crúpxkaya - Ulianốpna chống lại Crúpxkaya - Crúpxkaya bị thất sủng - cái bánh mừng thọ của Stalin - cái chết đột ngột - Những cách nhìn nhận khác nhau.

Ngày 26 tháng 2 năm 1939, trên tất cả các báo của Trung ương đều có đăng rất rõ bức thư chúc thọ Nađêzđa Konxtantinốpna Crúpxkaya với nội dung:

"Trong ngày sinh nhật lần thứ 70 của đồng chí, các đồng chí ủy viên Trung ương liên bang và các ủy viên nhân dân Xô Viết xin bày tỏ lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới đồng chí - Một người Bônsêvích lão thành, một người bạn tri kỷ của Lênin.

Các ủy viên Liên bang và các ủy viên nhân dân Xô Viết xin chúc đồng chí an khang, trường thọ. Xin chúc đồng chí tiếp tục có nhiều cống hiên hơn nữa cho sự nghiệp vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản, cho lợi ích của Đảng và toàn thể nhân dân lao động Liên Xô".

Điện chúc mừng, thư chúc mừng được tới tấp gửi tới Điện Kremli. Nhưng, lúc đó đồng chí Crúpxkaya đang phải nằm trong bệnh viện tại Điện Kremli. Đêm ngày 26 tháng 2, bệnh tình của Crúpxkaya đã rất nguy kịch. Bà dường như không còn cảm giác nữa. Buổi sáng ngày 27 tháng 2, lúc 6 giờ 15 phút, Crúpxkaya đã vĩnh biệt chúng ta.

Ngày 28 tháng 2, trên tất cả các báo xuất bản đều có viền tang đen. Ban chấp hành Trung ương, ủy ban nhân dân Liên bang đã thông báo tin đau buồn này cho toàn thể nhân dân như sau: "Sự ra đi của đồng chí Crúpxkaya, một người đã hiến trọn đời mình cho cách mạng, cho sự nghiệp Chủ nghĩa Cộng sản là một tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng và toàn thể nhân dân Liên Xô".

Cho dù đã có kết quả chẩn đoán căn bệnh của bà là tắc mạch máu, dẫn đến viêm phúc mạc, nhưng vẫn có nhiều lời đồn đại ở trong nước nghi ngờ về nguyên nhân cái chết của Crúpxkaya. Có tin đồn cho rằng, hình như trong ngày sinh nhật của Crúpxkaya đã có người mang đến một cái bánh gatô lớn do Stalin gửi tới. Sau khi nếm bánh đột nhiên bà cảm thấy khó chịu, sự khó chịu tăng lên đến mức nhiều lúc bà bị mất cảm giác. Lúc đó bác sỹ được gọi đến và họ đã đưa bà vào nằm trong bệnh viện ở Điện Kremli, tại đây bà đã chết vì thuốc độc.

Trên tờ "Tin nhanh của phái đối lập" của Trôtxki, kẻ đã từng bị trục xuất khỏi nước Nga, đã có những phản ứng về cái chết của Crúpxkaya như sau: "Chúng ta tuyệt nhiên không trách cứ Crúpxkaya là đã không quyết tâm cắt đứt quan hệ với chủ nghĩa Bônapac... Phẩm chất quý giá nhất của Crúpxkaya chính là tinh thần trách nhiệm. Bà có đầy đủ sự mạnh dạn, nhưng bà lại thiếu đi dũng khí. Chúng ta hẳn còn nhớ một việc hết sức đau lòng là bà đã phải tiễn biệt một nhân vật của lịch sử ra đi, bà là người bạn trung thực nhất của Lênin, do vậy bà không đáng phải bị chỉ trích".

Có thật Crúpxkaya có ý định cắt đứt quan hệ với "chế độ quan liêu của chủ nghĩa Bônapac?" Đúng vậy, và hơn nữa không phải chỉ là một lần. Đã có không ít các chứng cớ để chứng minh điều này. Trôtxki đã dẫn lời của Crúpxkaya nói vào năm 1926 như sau: "Giả sử Lênin vẫn còn sống, Người có thể đã phải ngồi tù”. Đây chính là sự phản ứng của bà sau khi Stalin đoạt được mọi quyền hành. Mùa hè năm 1930, tại Hội nghị của Đảng ở Baoman, Crúpxkaya đã phát biểu bày tỏ không tán thành với kiểu tập thể hóa của Stalin. Ví dụ, bà nói, việc thực hiện cách thức tập thể hóa của Stalin không có một chút nào giống với phương thức hợp tác hóa của Lênin. Người lãnh đạo Ban chấp hành Trung ương đã không chịu trưng cầu ý kiến trong Đảng và cũng chẳng thèm trưng cầu ý kiến của nhân dân. Quả đúng như lời sử gia Metvâychép đã viết: Kaganôvích đã dùng những lời thô bạo và gay gắt đối với Crúpxkaya, rồi sau đó thậm chí còn tuyên bố. "Crúpxkaya không phải là ngọn đèn hải đăng để chỉ đường đi tới hạnh phúc cho Đảng ta".

Bi kịch của Crúpxkaya bắt đầu từ khi chế độ tập quyền trong tay Stalin được tăng cường là điều tất yếu. Được coi là vợ, là bạn của Lênin, thậm chí bà cảm thấy đau đớn trong tâm hồn là bà bị coi là vật cản đáng sợ của những đảng viên lão thành. Là người sống và công tác bên cạnh Lênin nhiều năm, phải chăng Crúpxkaya đã lợi dụng danh tiếng của Lênin, lợi dụng danh tiếng của mình trong Đảng để bảo vệ những người thân của Lênin khỏi bị bức hại?

Những việc này được các sử gia nắm rất rõ, nhưng rồi cũng chỉ có vài người là có kết cục tốt đẹp. Ngay cả đến việc tránh cho những người bạn thân thiết nhất của mình và Lênin khỏi bị bức hại đến chết, bà cũng đành chịu bó tay bất lực.

Các cơ quan của ủy ban nhân dân nội vụ cũng không đếm xỉa gì đến những lời kháng nghị của bà, những ý kiến đúng đắn của cá nhân bà cũng không được tôn trọng. Sự tuyệt vọng của bà là có thể tưởng tượng được. Ví dụ như bà đã từng hai mắt đẫm lệ để cầu xin tha cho Giêmalianôp. Năm 1935, Giêmalianôp đã bị bắt. Ông nguyên là một công nhân Sanh Pêtécbua đã có công từng nuôi giấu Lênin trốn trong túp lều ở Razlip khi Lênin phải chạy trốn. Năm 1921, Lênin đã giúp đỡ ông trên nhiều lĩnh vực với sự tín nhiệm cao.

Trước khi cách mạng Tháng Mười nổ ra, Lênin đã quen với Giêmalianôp, Lênin đã đánh giá rất cao những hoạt động của ông trong đội tiền phong công nhân. Sự bảo vệ của Crúpxkaya đã không thành. Giêmalianôp vẫn bị bắt sau khi nghỉ hưu. Tổng cộng ông đã phải trải qua hơn hai mươi năm lưu đày, giam cầm. Vậy là yêu cầu của người vợ Lênin đã quá cố đối với Giêmalianôp, người đã từng ba lần cưu mang Lênin ở Razlip, bằng mắt, bằng những lời cầu xin của những đứa con của ông cũng không làm thay đổi được điều gì, chẳng làm ai lay động. Họ chỉ nhận được một điều là sự bi thảm của số phận.

Crúpxkaya còn dự định biện hộ cho Yo. Phyatnixki nhưng rồi cũng bị thất bại Yo. Phyatnixki là ủy viên trong Ban chấp hành Trung ương. Hình như ông có một thời gian làm ở Sở mật thám của Sa hoàng, do vậy đã bị Bộ Nội vụ dân ủy bắt. Trong cuộc họp toàn thể của Ban chấp hành Trung ương vào tháng 6 năm 1937, Crúpxkaya đã chính thức phát biểu, nhưng cũng chẳng hề có chút tác dụng nào. Tại hội nghị, bà đã tuyên bố rằng, Yo. Phyatnixki là một chiến sĩ Bônsêvích hoạt động bí mật, ông chưa từng một lần thất bại, coi ông có hoạt động gián điệp là không đúng, là vô căn cứ. Cũng lại giống như những lần trước, lần kháng nghị này của bà cũng chẳng mang lại kết quả gì. Sở dĩ các sử gia biết được sự thật của một số người không có tội được tha là do có sự can dự của bà, và số người đó cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Một việc nữa cũng hay được nhắc đến là việc giải phóng cho I.Đ. Xiuculin.

Ngày 3 tháng 4 năm 1917, ông là người đã phát thẻ Đảng cho Lênin. Vậy điều gì đã khiến cho Stalin và những người thân cận của Stalin có thái độ ngạo mạn đối với những người bạn hữu thân thiết nhất, và những người cùng Lênin lập ra Đảng và Nhà nước Xô Viết và coi thường ý kiến của bà một cách thô bạo. Vậy thì đâu là nguyên nhân? Các nhà nghiên cứu nước ngoài đã chỉ ra rằng, sau khi Lênin mất, thái độ của Stalin đối với Crúpxkaya đột nhiên thay đổi. Lúc đầu Stalin còn chịu nhịn bà. Rồi để phê bình Crúpxkaya đã có những sai lầm trong một loạt vấn đề về lịch sử Đảng và Lênin, Stalin đã từng chỉ thị cho giới báo chí và các nhà nghiên cứu học thuật phải viết những bài"cải tạo" con người cố chấp này. Nhưng tất cả những điều đã nói ở trên cũng không ảnh hưởng đến việc sau này Stalin đã chỉ thị cần phải tổ chức tang lễ của Crúpxkaya theo đúng nghi thức cấp cao nhất. Hơn thế nữa, Stalin còn đứng ở hàng đầu trong số các Ủy viên Bộ chính trị, để tự tay đỡ hộp tro hài cốt của Crúpxkaya. Thế nhưng ngay sáng ngày hôm sau, có một bọn người lạ mặt đến nhà bà Crúpxkaya lục soát lấy đi những tài liệu hồ sơ và hiện chúng lưu lạc ở đâu cho đến nay chẳng ai có thể biết được. Sự việc sau khi xảy ra, người ta đã dị nghị về môi trường của “chiếc bánh ga tô sinh nhật có độc". Thái độ của những người cầm quyền cao nhất đối với cái chết của người bạn chiến đấu đã lung lay.

Phản ứng của nhân dân với việc này cũng rất nhạy cảm. Nếu vin cớ vào việc tịch thu các thư tịch, sách vở của Crúpxkaya ở trong thư viện, thì điều này có nghĩa là đã có thế lực vô hình nhúng tay vào.

Nhân dân kính trọng Crúpxkaya, vì bà là người đã từng chia sẻ với Lênin mọi gian khổ, mọi nỗi bất hạnh trong cuộc sống. Bà là hình tượng có sức hút ghê gớm về tính trung thực đối với Lênin. Hơn thế nữa, bà được rất nhiều người biết đến. Bà thường đến nhiều nhà máy, công trường, các cuộc hội nghị để nói chuyện. Bà từng đảm nhận nhiều cương vị trong giáo dục. Nhưng giờ đây lịch sử dường như đã bị cắt bỏ, tất cả mọi việc bà từng làm trước đây đều bị lãng quên hết. Những tác phẩm của bà không được sử dụng. Những cuốn sách của bà trước đây được xuất bản cũng bị bỏ đi hết. Báo chí cũng không nói về bản thân bà nữa. Thậm chí ngay trong ngày kỷ niệm cách mạng, người ta cũng không hề đả động tới. Năm 1940, tại Mátxcơva, báo"Tia lửa" kỷ niệm 40 năm ngày ra số báo đầu tiên, nhưng trong số những người biên tập và sáng lập ra tờ báo, những người xem triển lãm cũng không nhìn thấy có tên của bà Crúpxkaya, mà đáng lẽ ra phải có tên của bà trong danh sách đó.

Khi Crúpxkaya còn sống, bề ngoài người ta vẫn tôn trọng bà.

Trong những năm tháng cuối cùng của đời mình, bà vẫn sống tại căn nhà ở Điện Kremli. Căn nhà mà trước đây cả Vladimia Ilích và Maria đã từng sống ở đó. Lái xe của bà vẫn là Kiri. Grôhuôp và Khômachép. Trong Đại hội lần thứ 13 và 14 của Đảng, bà được bầu làm ủy viên ban giám sát trung ương, ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô khoá 15. Bà đã từng là đại biểu Xô Viết tối cao khoá 1, và là thành viên đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao. Bà còn đảm nhiệm cương vị Thứ trưởng dân ủy Bộ giáo dục.

Cùng với sự xa rời các chức vụ cao, thì sự coi thường và không thân mật đối với Crúpxkaya cũng ngày càng rõ. B.Đrizhô vào Đảng đầu năm 1920, trong 20 năm cuối cùng đã làm thư ký riêng cho Crúpxkaya. Theo lời bà nói, sau khi Lênin mất, Stalin và Crúpxkaya chỉ nói chuyện với nhau có một lần vào năm 1925. Lúc đó Crúpxkaya đồng ý với quan điểm của Zinôviép. Stalin luôn không hài lòng với người vợ của Lênin quá cố, lại đi ủng hộ phái đối lập. Ông đã dành nhiều thời gian để khuyên nhủ bà và còn hứa sẽ để bà làm ủy viên Bộ chính trị, nếu bà cự tuyệt với phái đối lập. Nhưng Crúpxkaya chẳng chút động lòng. Bà nói rằng, bà chưa sẵn sàng thay đổi lòng tin của mình.

Thư ký B.Đrizhô cho rằng, chắc chắn Stalin sẽ không bỏ qua cho bà về việc này. Từ đó về sau Stalin và bà không hề nói chuyện với nhau nữa.

Thái độ của Stalin như vậy đã rất nhanh chóng bị những người thân cận phát hiện ra. Hoàn toàn không thể tha thứ được là An. Brênốp khi thay thế chức vụ của A.V. Lunasaxki nghỉ hưu, đã có thái độ không tôn trọng đối với Crúpxkaya. Hơn thế nữa trong các cuộc hội nghị của Bộ dân ủy giáo dục, hắn còn nhục mạ bà một cách thô bạo. Crúpxkaya lặng lẽ chịu đựng, nhưng đến khi bà không chịu đựng được nữa, bà đã xin từ chức. Bộ chính trị không phê chuẩn nguyện vọng này của bà, bà vẫn phải đảm nhận công việc cũ của mình ở Bộ dân ủy giáo dục.

Trong những năm cuối đời, bà rất ít khi đến căn phòng làm việc của mình ở Bộ dân ủy giáo dục. Trong một số giáo trình mà bà biên soạn thường xuất hiện những đoạn ca ngợi Stalin mà bà căn bản không rõ từ đâu đến, nhưng bà vẫn yên lặng không nói ra. Đích thực là bà đã thoả hiệp, như vậy là bà đã đồng ý cắt bỏ nhiều vấn đề có liên quan đến Lênin trong tập hồi ký của Người. Bà biết rõ rằng, việc bà biện hộ cho những đồng chí bị "trừng phạt" chỉ làm hại họ thôi, chứ không ích gì. Và bà chìm vào im lặng, chỉ có một lần khi xét hỏi Bukharin bà đã nói với B.Đrizhô rằng:"Manichka, may quá cô ấy không biết việc này".

(Maria Ulianopva - em gái Lênin, chết tháng 6 năm 1937).

Những người Bônsêvích lão thành cho rằng, đầu những năm 1930 trước năm 1937, Crúpxkaya đã thực sự bị khuất phục. Các văn bản lịch sử của chính giới không thấy đề cập đến vấn đề này - đây là một khu vực cấm của lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô trong một thời gian dài. Nói chung điều này đối với các sử gia cũng vậy và đối với các nhà viết tiểu thuyết cũng thế, mọi việc không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của cơ quan tuyên truyền chính giới thì đều không được lưu hành. Trong những văn kiện, tài liệu đã xuất bản không tìm thấy bất kỳ một bài nào có liên quan đến sự phân tích về đời tư của những người ở xung quanh Lênin.

Nếu như chúng ta tin vào những truyện ngắn, truyện vừa thì có thể quy quan hệ cá nhân của Lênin và Crúpxkaya như sau: Trong thời gian họ bị lưu đày, họ có rất nhiều thời gian rỗi rãi, hàng ngày họ có bàn luận với nhau về chính trị, hoặc họ cùng dịch với nhau những cuốn sách tiếng Anh. Điều thật đáng tiếc là cuốn sách "Đời thường của danh nhân" còn có điểm chưa được hoàn mĩ, trong đó chỉ giới thiệu hành vi của những nhân vật ưu tú, mà chẳng đề cập đến những động cơ tâm lý của những hành động đó. Nếu như bạn tin vào sự miêu tả Crúpxkaya như vậy ở trong các cuốn sách thì chắc bạn sẽ có nhận định rằng, trong những năm tháng cuối đời Crúpxkaya là một người cực kỳ thẳng thắn, chân thành.

Trong mọi hoàn cảnh luôn là người bạn tốt thực tâm thực bụng. Có thể rất dễ dàng nhận thấy, kiểu miêu tả như vậy giống như một trò lừa bịp tinh vi được dựa theo những"khuôn mẫu” được "quy định" từ trước.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng ta hãy cùng xem xét các loại sách báo được xuất bản ở nước ngoài. Tuy nhiên từ năm 1990 trở đi, những sách báo đó chỉ có Liên Xô xuất bản. Nói vậy như thế có nghĩa là, chỉ có 2 tập"Stalin" của Trôtxki do nhà xuất bản Mátxcơva ấn hành.. Trong tập thứ 2 viết về những ngày cuối cùng của Lênin ở làng Goocki, tác giả viết: “Suốt ngày Lênin nhận được sự chăm sóc của vợ và em gái, hai người phụ nữ đã tận tâm, tận lực chăm sóc Người bệnh giống như trước đây họ đã từng chăm sóc khi Người còn khỏe vậy. Vợ của Lênin - bà Nađêzđa - Konxtantilốpna Crúpxkaya thực sự là người bạn đời trung thực của Lênin, từ lúc trẻ cho đến lúc già bà đã làm mọi công việc một cách không mệt mỏi".

Từ khi Lênin ốm nặng, Maria Ulialốpna cũng đem toàn bộ sức lực của mình để chăm sóc cho người anh. Tính cách của bà có nhiều điểm giống với anh trai của mình đó là: Trung thành, ngoan cường, không thỏa hiệp, nhưng về tài trí bà có phần bị hạn chế. Những đặc điểm trên đây đã làm cho tính cách của Maria luôn ghen ghét với Crúpxkaya để giành lấy sự yêu quý của Lênin. Tính cách của Maria đã không ít lần làm cho Crúpxkaya phải khổ sở. Khi Lênin còn sống, Người đã chia sẻ cho hai người có quyền hành ngang hàng với nhau. Nhưng khi Lênin mất đi rồi, mọi việc đều khác hẳn. Đương nhiên bất kỳ ai trong hai người đều không thể trở thành người hiểu hết được ý chí của Lênin. Nhưng mọi người đều đã biết, hai người họ luôn ra sức để được trở thành người hiểu được ý chí của Lênin. Về mặt chính trị thì Crúpxkaya và Lênin có mối giao kết chặt chẽ hơn nhiều so với Maria.

Lênin thường đem tài liệu mật giao cho vợ bảo quản. Trên phương diện chính trị, Lênin cũng có nhiều liên hệ mật thiết với Crúpxkaya hơn Maria. Crúpxkaya hiểu rõ mười mươi việc Lênin sắp đặt cho Stalin thế nào. Trong tay bà còn nắm giữ nhiều "di chúc" chính trị

của Lênin. Bà đã giao nó cho Ban chấp hành Trung ương, sau đó bà yêu cầu phải đọc trước Đại hội 12 năm 1923. Mọi người đều nghe thấy ý kiến của Crúpxkaya và rất sợ bà. Maria ngay lập tức bị đẩy về vị trí thứ yếu của mình. Do có sự bất hòa giữa Maria và Crúpxkaya đã dẫn đến việc Maria trở thành người của Stalin.

Cả hai người phụ nữ đều sống trong căn nhà cũ ở Điện Kremli, Maria ngày càng ghen ghét với Crúpxkaya. Vì những việc xung quanh bản di chúc, mà Stalin đã trút mối hận với Lênin lên đầu Crúpxkaya.

Do vậy Trôtxki cho rằng, sau khi Lênin mất nguyên nhân của thái độ không thân thiện với Crúpxkaya là do Stalin báo thù. Lep Đaviđôvích Trôtxki còn viết, nguyên nhân quan trọng nhất về hành động này của Stalin là tâm lý báo thù và hư vinh. Việc liên minh với Hítler khiến cho Stalin luôn có cảm giác đã được thỏa mãn vì đã sai khiến được mọi người đó chính là cảm giác của sự hận thù. Khi đoàn đại biểu hữu nghị của Anh, Pháp thăm Mátxcơva, Stalin đã tiến hành đàm phán với bọn quốc xã rồi đột nhiên tuyên bố ký hiệp ước với Hítler. Những điều đó có thể thấy rõ ràng Stalin đã đánh giá thấp nguyện vọng của chính phủ Anh. Chính phủ Anh khi cùng phát triển mối quan hệ với Hítler đã liên tiếp gặp phải những trắc trở, cũng đã cố ý hạ thấp vai trò của Điện Kremli, chính vì thế Stalin đã báo thù. Thậm chí cả sự kiện ngày 20 tháng 9 năm 1939 khi Liên Xô chiếm được Riwop, hoàn toàn không còn nghi ngờ gì nữa, lần thất bại của 19 năm trước còn hằn mãi trong ký ức của Stalin.

Những luận điểm và những ví dụ mà Trôtxki nêu ra trên đây có thể đồng ý hoặc không đồng ý. Đương nhiên cũng nên nghĩ đến những tình tiết tương đối quan trọng như vậy. Trong nhiều câu chữ của mình, Trôtxki đã xen vào những sự thù hận và những ác ý cá nhân đối với kẻ thù luận chiến của Điện Kremli. Nhưng không chỉ có mình Trôtxki nhìn thấu được vấn đề, mà chính Stalin, trong mọi lúc mọi nơi cũng không khi nào quên những người đã cố ý hoặc vô ý đắc tội với mình. Vào giữa những năm 20, Giáo sư Guegueshenz trường Đại học Cộng sản Tibilesi, trong một lần không cẩn thận đã nói ra rằng: "Stalin chẳng phải là một nhà lý luận". Sau sự việc này Giáo sư tỏ ra rất hối hận vì đã chót lỡ lời và nhiều lần tỏ ý muốn thu hồi lại câu nói, nhưng điều này đã không thể cứu nổi ông ta. Đối với những việc ở cách xa Stalin hàng trăm km, trong khi tranh luận với một cá nhân nào, cá nhân đó vì bị kích động mà nói ra một câu không cam chịu, chứ chưa nói đến những việc quan trọng hơn. Ví dụ, bàn về di chúc của Lênin, Trôtxki chứng minh rằng, Stalin tỏ ra không quan tâm đến văn kiện này, Stalin coi bản di chúc của Lênin chỉ là những lời lẽ của người ốm chịu ảnh hưởng của "mấy mụ đàn bà".

Trong một thời gian dài, cái được gọi là bản "di chúc"của Lênin được bao phủ một bầu không khí cực kỳ thần bí trong cuốn "Bàn về Stalin và chủ nghĩa Stalin". Rôxi Metvâychép viết: Những người thu thập tài liệu giúp Stalin đều là những người đã từng bị tù đày và các đảng viên cộng sản ở các trại tập trung. Những đảng viên này bị tù tội vì "lưu giữ các văn kiện phản cách mạng, tức cái gọi là bản di chúc của Lênin". Từ giữa

những năm 1930, sau khi bắt đầu có sự đàn áp với quy mô lớn, bản văn kiện này bị tuyên bố là giả tạo.


Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play

trướctiếp