Ta cũng không rõ vì sao ta lại thích thằng bé đó đến thế, cũng có thể là vì ta cũng từng sinh được một đứa con, đáng tiếc ta còn chưa kịp ôm nó một cái thì nó đã rời bỏ ta mà đi.

Còn vì sao nó đột ngột không từ mà biệt như thế, e là cũng nên tới phủ Thái sư, tận miệng hỏi mẫu hậu ta một tiếng.

Nếu nó còn sống, nhất định sẽ rất anh tuấn, nó kém Quốc Tuấn vài tuổi, theo vai vế chắc phải gọi một tiếng ca ca.

Sau đó ta bắt đầu nằm mơ, mơ về mùa hạ năm Quý Tị[1], sen hồng nở rợp điện Thiên An, ta mất đi đứa con sinh non, cả ngày đều ngẩn người ngồi bên cửa sổ ngắm trời mọc trời lặn, ngắm trăng lên trăng tàn. Thời gian ấy Trần Bồ rất bận rộn, hắn mỗi ngày đều đi sớm về khuya, nhiều nhất cũng chỉ vuốt tóc ta một cái, nói mấy chữ “nén đau thương”.

Thiên trường địa cửu, mãi mãi bình an.

Ta… kỳ thực chưa từng được sống một ngày bình an.

Lúc ta tỉnh giấc, vết thương trong lòng đã lành sẹo, không còn đau nữa, nhưng trong lòng rệu rã, không muốn nhấc người đứng dậy.

Đúng lúc ấy, ta nghe có tiếng bước chân rón rén lại gần.

Để ta đoán xem nào, Trần Bồ bước chân chậm rãi, trầm ổn, nhưng vạt áo hắn rất dài, đi lại sẽ quẹt vào đám cỏ dại cao ngang eo trong sân, cho nên không phải hắn. Quốc Tuấn đi lại nhanh nhẹn, bước chân thanh thoát linh hoạt, đi rõ nhanh mà không chạm vào ngọn cỏ nào, vì thế cũng không phải nó.

Trong lúc ta còn đang nhíu mày suy nghĩ, có một bóng đen đã phủ chụp lên người ta.

Gì đây, giết người diệt khẩu à?

Ta giật đống vải lùng nhùng trên đầu xuống, bật dậy trừng mắt nhìn kẻ thù.

Chỉ thấy trước mặt là một đứa bé trai khoảng bảy tám tuổi, xinh xắn đáng yêu, quần áo xa hoa lòe loẹt, cũng đang tròn mắt nhìn mình. Có lẽ là bị ta làm cho hoảng sợ, đôi mắt trong veo của nó thoáng cái đã dập dềnh ánh nước.

Ta thở dài, xem ra lại có nhóc con đi lạc nữa rồi.

Trước khi nó khóc òa lên, ta đã nhanh tay kéo nó lại gần hiên, đem cả đĩa bánh quế trên bàn trút cả vào tay nó. Thằng bé quả nhiên ngẩn ra, nó không do dự chút nào nhón tay bỏ một miếng bánh vào miệng, sau đó lại nhanh nhẹn bỏ thêm cái nữa. Cứ như thế, ăn sạch một đĩa bánh quế của ta.

Cũng giống như Quốc Tuấn, lần này ta dùng một đĩa bánh quế và một cốc trà sữa thảo mộc, câu được một thằng nhóc khác.

Tên nó là Trần Quốc Khang, là con trưởng của Trần Bồ và hoàng tỷ ta Hiển Từ hoàng hậu.

Về sau ta hỏi nó vì sao lúc trước lại trùm chăn lên đầu ta, nó nói nó vô tình đi lạc tới đây, thấy ta ngủ bên hiên mà mặc phong phanh quá, sợ ta cảm lạnh, liền tức tốc trở về điện khệ nệ vác một cái chăn tới trùm cho ta. Khi nó nói với ta những lời này, cái miệng nhỏ nhắn còn đang nhấm nháp một viên táo ngào đường, đôi mắt nó trong veo, tựa như không chứa bất kỳ tạp niệm nào, khiến ta thật không dám nhìn thẳng.

 Gần đây mới thay người tới ghi lại yêu cầu của ta hàng tháng, ta quả thực chẳng thèm bận tâm vị Nội thư chánh chưởng cả ngày không nặn ra nổi một nụ cười trước đây đã đi đâu, chỉ cảm thấy hiếu kỳ về người tới thay này.

Y không phải nội thị, đương nhiên cũng không phải hoạn quan, hơn nữa còn là người thuộc Ngự Sử Đài[2]. Ngự Sử Đài không phải chỉ chăm chăm lo việc soi mói và hặc tội người khác thôi sao, giờ lại tới mò tới lãnh cung của ta làm chân tạp dịch, thực khiến bản công chúa có chút thắc mắc.

Ta lượn một vòng xung quanh y, đây là một nam tử còn rất trẻ, có vẻ còn nhỏ hơn ta vài tuổi, đường nét trên gương mặt không quá sắc sảo nhưng được cái hài hòa, cũng xem như tuấn tú. Nhưng điều khiến y trở nên đặc biệt hơn người khác là nụ cười ấm áp dường như mãi không bao giờ tắt luôn thường trực trên khóe môi. Ta cũng không biết nụ cười ấy có bao nhiêu phần chân tình, nhưng dù sao cũng khiến người ta cảm thấy thoải mái.

Nam tử bị ta ngó nghiêng săm soi cũng không lấy làm khó chịu, mỉm cười hỏi ta: “Công chúa có cần gì không?”

Từ trước tới nay ở đây đều không thiếu nhu yếu phẩm sinh hoạt, nếu ta thiếu chắc chỉ là thiếu sách thôi. Thằng nhóc kia đã lâu không ghé thăm ta, đống binh thư trong tàng thư các của ta đã bị nó gặm đi gặm lại đến nát bươm rồi. Ta ngẫm nghĩ vẫn nên lấy thêm cho nó một ít nữa.

Nam tử này là người cẩn thận, tuyệt đối không qua loa đại khái như tên Nội thư chánh chưởng mặt đeo đá trước đây, y hỏi ta đã có những quyển gì rồi, thích thêm những quyển gì, thích dạng sách nói về bày binh bố trận hay thích dạng sách nói về sử dụng binh khí. Ta cũng không biết Quốc Tuấn thích thứ gì, có lẽ chỉ cần có thể áp dụng vào đánh trận thì nó đều thích, ta liền bảo y cứ mang tới hết cho ta.

Tháng sau, nam tử quay lại, đem một chồng binh thư tới cho ta. Sách rất mới, bìa thẳng thớm vuông vắn, giấy không rách, gáy không sờn, tựa như y đã lựa chọn rất cẩn thận mới đem tới vậy. Điều này khiến hảo cảm đối với y trong lòng ta lại nhiều thêm một chút.

Nam tử nhìn ta cười, vẫn câu nói lần trước: “Công chúa có cần gì không?”

Ta ngước mắt nhìn y, đột nhiên nảy sinh ý trêu chọc, ta nói: “Ta thiếu mất một người bạn, ngươi muốn ở lại đây bầu bạn với ta không?”

Nam tử quả nhiên bị ta dọa cho nhảy dựng, nhưng sau đó cũng phát hiện ta đang đùa, y đưa tay gãi gãi đầu, nở một nụ cười ngại ngùng, hỏi ngược lại ta: “Công chúa có thích ăn bánh trôi không?”

Chẳng ăn nhập gì, nhưng vẫn khiến ta phì cười.

Nam tử này tên là Lê Tần, là người Ái Châu[3]. Y kể với ta, nhà y rất nghèo, sau khi phụ thân qua đời, mẫu thân dắt y tới kinh thành, hàng ngày ngồi góc chợ bán bánh nuôi y ăn học. Thông qua cách nói chuyện đầy chữ nghĩa nhưng không dập khuôn máy móc của y, ta nghĩ chắc Lê Tần học rất giỏi. Y dùng thực lực thi vào Ngự Sử Đài, tuy hiện giờ vẫn chỉ là chân chạy việc nhưng ta nghĩ sớm muộn gì y cũng sẽ làm đại quan.

Ta không thích bánh trôi lắm, luôn cảm thấy nhân đỗ quá ngọt, nhưng mỗi tháng Lê Tần tới tặng ta bánh trôi do tự tay mẫu thân y làm, ta chưa từng từ chối.

Quốc Tuấn không tới thăm ta, Trần Bồ giận dỗi cũng không tới làm phiền ta, còn ta có thêm một người bạn, dịu dàng hiền từ như thể mỗi lần tới đều đem mười dặm gió xuân.

 Đầu đông, năm nay rét sớm, Lê Tần đem tới cho ta vài quyển truyện du ký, thêm một chiếc chăn dày. Chăn dày là Trần Bồ dặn y đem qua, truyện du ký là tự y mua ở sạp sách đầu chợ cho ta. Ta nhận sách, vứt chăn vào góc phòng.

Ta mời Lê Tần một tách trà gừng, y không từ chối.

Ta cắn một miếng bánh trôi dai dai dẻo dẻo, vô thức hỏi y: “Lê Tần, ngươi có ước mơ không?”

Bàn tay cầm tách trà của y hơi ngừng lại, y nghiêng đầu nhìn ta như đang muốn suy xét lý do ta hỏi câu này. Sau đó y cười, cười rất đẹp: “Có chứ. Ước mơ của ta là có thể nhìn thấy mẫu thân được sống những ngày sung sướng.”

Ta nhìn nụ cười của y cũng bất giác học theo, tít mắt lại cười.

Sau đó bọn ta vừa uống trà ăn bánh, vừa cùng nhau vẽ ra một cuộc sống sung túc hạnh phúc cho mẫu thân của y. Y nói muốn mẫu thân được ăn đủ loại sơn hào hải vị trên đời, không cần ăn gạo mốc nữa, ta giới thiệu cho y tiệm ăn nào ở kinh thành là ngon nhất, đầu bếp nào giỏi nhất. Y nói muốn mẫu thân mỗi năm đều có thể may quần áo mới, không cần mặc những bộ đồ vải thô vá đi vá lại, ta giới thiệu cho y tiệm may nào nổi tiếng nhất, giới thiệu cho y loại vải nào mềm mịn nhất, loại hoa văn nào hợp nhất. Y nói muốn thuê cho mẫu thân vài người hầu, như vậy bà sẽ không cần vất vả lam lũ nữa, rồi mua một căn nhà mới, trồng ít cây ăn quả, ta nói trồng táo đi, ăn táo tốt cho sức khỏe. Bọn ta nói rất nhiều, nói như thể những cảnh tượng ấy đã bày ra trước mắt vậy.

Sau đó ta hỏi Lê Tần: “Ngươi chưa thành thân à, sao không thấy ngươi nhắc tới thê tử?”

Y cười buồn: “Không đủ tiền lấy vợ.”

Từ đó trở đi, trong danh sách những điều cầu xin Phật tổ của ta có thêm một chuyện, cầu cho Lê Tần công thành danh toại, sớm ngày đạt được mơ ước của y.

 Cuối đông, trời lạnh buốt, Quốc Tuấn vẫn không đến thăm ta. Nhưng ta vẫn theo thói quen cũ, mỗi ngày đều làm một loại bánh điểm tâm đặt trên bàn. Bánh điểm tâm không cần ăn nóng, nó tới vào lúc nào cũng có thể cùng ăn với ta.

Thằng nhóc Quốc Khang thì không hay tới lắm, mặc dù điện hoàng tử của nó rất gần lãnh cung của ta. Bởi tốt xấu gì nó cũng là hoàng tử, hầu hết thời gian đều có cận vệ và cung nữ theo kèm. Chỉ trừ khi hoàng đệ của nó ốm.

Nó nói với ta, từ khi nó nhớ được thì nó đã ở điện riêng với nhũ mẫu, nó hiếm khi được gặp mẫu hậu, gặp phụ hoàng càng hiếm hơn, ngoại trừ ngày Tết đầu năm và ngày tế tổ, nó căn bản chẳng nhìn thấy nổi bóng lưng của phụ hoàng. Ban đầu nó tưởng hoàng tử đều thế cả, nhưng nhị hoàng đệ của nó, Trần Hoảng đã ở trong điện Thiên An của mẫu hậu suốt bốn năm, mấy hôm trước mới chuyển tới Đông cung. Còn hiện giờ tam hoàng đệ của nó, Trần Quang Khải vẫn đang ở cùng mẫu hậu, ngày ngày đều có thể gặp được phụ hoàng.

Nó hỏi ta, liệu có phải bản thân nó mắc bệnh gì đó khiến người ta muốn xa lánh không?

Ta rất muốn nói với nó, cho dù có bệnh cũng là đám người có tật giật mình đó bệnh!

Quốc Khang tuy mang danh là con trưởng của Trần Bồ nhưng danh vị Hoàng thái tử tuyệt đối sẽ không thể trao cho nó. Sự vụ ồn ào năm đó, chuyện thối trong nhà đã bốc lên đến tận giời, ai ai mà không biết Quốc Tuấn và Quốc Khang còn là huynh đệ cùng cha khác mẹ cơ chứ.

Nhưng thực lòng mà nói, ta không hi vọng Quốc Khang biết những chuyện này, nếu được, ta hi vọng ánh mắt nó mãi mãi trong trẻo như hiện giờ, sự lương thiện của nó mãi mãi không bị những thứ ô uế kia lấm bẩn.

Quốc Khang thực ra là một thằng bé rất hiếu động, nó thích nhất là ca múa nhảy nhót, nhưng bên ngoài lại luôn tỏ vẻ điềm đạm, chín chắn, thật sự vô cùng khổ sở. Đây đương nhiên lại là công lao của Thái sư đại trí đại tuệ.

Vị rường cột của nước nhà này bản tính lo xa, sợ Quốc Khang tranh giành ngôi báu với hoàng đệ, từ nhỏ đã phong nó làm Tĩnh Quốc vương, dùng một chữ “Tĩnh” này trói chân nó lại. Không cho học võ, chỉ dạy đạo lý thánh hiền. Một đứa trẻ bảy tuổi bị cô lập một mình, nó ngoan ngoãn ngồi im thì mới yên tâm khen ngợi, nó lanh lợi hoạt bát thì vội lo lắng kiềm chân.

Phì, đúng là một đám yêu quyền vị đến phát điên rồi.

Trong phủ của Quốc Khang có một cung nữ là hậu nhân của người Hồ, thường dạy cho nó điệu múa truyền thống của dân tộc nàng ấy. Thế là mỗi lần đến thăm ta nó đều múa cho ta xem. Trời rét đậm, nó mặc nhiều lớp áo bông dày cộm, người tròn như quả cầu, múa rất hăng say dù không có nhạc đệm, ta nhìn bộ dạng của nó cũng ngửa đầu cười ngất.

[1] Tức năm 1233.

[2] Cơ quan chuyên coi giữ phong hóa, pháp độ và can gián, tương đương với việc tranh tra giám sát hiện nay.

[3] Nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Tác giả có lời muốn nói: Thực ra không phải truyện harem đâu =]]]]]]]