Thiên Ứng Chính Bình năm thứ chín,thấm thoắt ta đã ở đây hơn hai năm.

Mùa xuân năm nay thời tiết không tệ lắm, không khí hanh khô, không quá lạnh cũng không quá nóng. Những ngày đẹp trời thế này, thích hợp để xuất cung du ngoạn, thích hợp để nhâm nhi một bình rượu ấm ngâm nga vài câu thơ trữ tình.

Nhưng gần đây tâm trạng của ta không tốt lắm, xương cốt thường hay đau nhức, cũng dễ ngất xỉu, nói tóm lại đau ốm liên miên. Người ta bảo cô đơn thì mau già, vậy thì ta hi vọng mình già nhanh một chút, trong tất cả các kiểu chết, chết già vẫn là nhẹ nhàng nhất.

Tâm trạng không tốt nên ta bị mất ngủ trầm trọng, cả ngày lơ mơ, rất mệt mỏi.

Đầu mỗi tháng sẽ có một Nội thư chánh chưởng[1] tới đây hỏi ta cần gì, đầu tháng sau sẽ đem đồ tới. Năm ngày trước, y tới, ta nói cần thuốc an thần. Nhưng sớm nhất cũng phải đến tháng sau mới có.

Ta nằm dài bên hiên, ngẩng đầu nhìn ngắm đám dây leo dại đã bò lên xà cột. Quả thực có chút giống nhà hoang.

Trong giấc ngủ chập chờn, ta đột nhiên có một giấc mơ kỳ lạ. Trong mơ có tám con rồng lớn bay lượn trong những đám mây ngũ sắc, ta cũng lơ lửng ở trên mây, ta phấn khích nhào tới muốn ôm lấy một con rồng. Nhưng tám con rồng vội vàng tản ra, ta không bắt được con nào cả, có chút ấm ức. Vào đúng lúc ta định tiếp tục truy đuổi thì chúng lại tụ lại, sau đó nhất tề xông về phía ta. Ta vừa ngơ ngác vừa hoảng sợ, đúng lúc này, một con rồng trong đám đó chợt quay ngoắt lại, dùng cái đuôi lớn đẩy bảy con kia ra, há miệng gầm lên một tiếng long trời lở đất.

Đó là một con rồng, nhưng trong khoảnh khắc ta chợt nghĩ đó là phụ hoàng của ta.

Sau đó ta tỉnh giấc, lệ nóng đầy mặt.

Ngẫm nghĩ về giấc mơ đó, ta chợt nghĩ ra, có lẽ là tổ tiên quay về đòi nợ ta. Nhiều năm qua, những người thuộc hoàng tộc họ Lý oán hận ta cũng chẳng ít.

Chợt muốn bật cười, cuộc đời Lý Phật Kim ta chẳng nợ bất kỳ ai, ta không nợ giang sơn Đại Việt, không nợ dòng tộc họ Lý, không nợ Trần Bồ, ta chỉ nợ mỗi phụ hoàng, nợ tình cảm sâu như biển ông dành cho ta.

Chỉ có thế thôi.

Triều đại họ Lý trải qua hơn hai trăm năm tới đời ta đã sớm suy tàn đến cùng kiệt, dù không phải họ Trần, thì cũng sẽ sớm có dòng họ khác nổi lên chiếm ngôi. Chẳng qua họ Trần nhanh tay hơn mà thôi.

Muốn một đứa trẻ khi ấy mới tám tuổi như ta giữ được cái ngai vàng đã mục ruỗng đến tận xương đó, ta cũng muốn rửa tai cung kính lắng nghe xem phải giữ kiểu gì.

Những ngày cuối đời, ai cũng nói phụ hoàng ta bị điên. Chỉ mình ta biết, ông không điên, ông chỉ dùng cách hèn nhát nhất để bảo toàn tính mạng cho mình.

Có một lần ta còn nhỏ, chạy nghịch rồi bị vấp ngã, ngã rất đau, đau đến mức một đứa hiếm khi khóc như ta cũng phải khóc nức nở. Khi ấy ta nghe thấy trên đầu mình có tiếng hừ lạnh, lúc ta ngẩng đầu lên liền nhìn thấy mẫu hậu, gương mặt người xinh đẹp, khí chất cao quý, y phục xa hoa, đầu đội mũ miện đính ngọc quý nặng trĩu. Phía sau có một nam tử trẻ tuổi, khí thế oai phong lẫm liệt, ánh mắt sắc bén, gương mặt cương nghị, không giận mà vẫn uy. Đó là lần đầu tiên ta nhìn thấy Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, người mà rất nhiều năm về sau, mỗi lần đi ngủ ta đều phải rủa ông ta một trăm linh tám lần mới an tâm thiếp đi.

Mẫu hậu dĩ nhiên không đỡ ta lên, lạnh lùng lướt qua, gấu váy người có mùi hương hoa lan thơm ngát. Ta khi ấy vẫn còn rất yêu thương mẫu hậu liền cảm thấy tủi thân, khóc càng dữ, khóc đến mức thở không nổi.

Không biết ta gào khóc mất bao lâu, cuối cùng cũng có người vỗ vỗ lưng an ủi ta. Bàn tay to dày, vừa ấm áp vừa dịu dàng. Phụ hoàng ôm lấy ta, cười cười: “Bảo bối, đừng khóc, đừng khóc.”

Ta nhào vào lòng ông, khóc càng thương tâm, ta nghe thấy giọng ông thầm thì đau đớn: “Bảo bối ngoan, nhất định phải kiên cường. Ta vô dụng, không thể bảo vệ được con. Con phải tự bảo vệ mình. Ngôi báu hay danh lợi, tất cả đều không quan trọng, chỉ cần con sống vui vẻ, chỉ cần con còn sống.”

Sau đó người ông giật mạnh một cái, cười hềnh hệch, mắt trợn lên trắng dã: “Bảo bối, chúng ta đi chơi nào. Bảo bối, có vui không? Con có vui không?”

Ta ngẩn người, liếc mắt nhìn thấy trong hiên không xa, mẫu hậu và Điện tiền chỉ huy sứ đang nhìn ra ngoài này. Ta liền nặn ra một nụ cười tươi roi rói, nắm lấy tay phụ hoàng, cùng ông nhảy chân sáo: “Đi chơi thôi, phụ hoàng, chúng ta cùng chơi nào.”

Ta đã cùng ông diễn trò như thế gần một năm.

Nhưng cuối cùng ông vẫn bị đưa đi.

Tháng mười Giáp Thân[2], ta lên làm hoàng đế, phụ hoàng được đưa đến chùa Chân Giáo, kể từ đó ta không thể gặp lại ông. Dù rất nhiều lần lấy cớ tới chùa Chân Giáo làm lễ, lén tìm Huệ Quảng đại sư, là pháp danh đi tu của ông, nhưng đều không gặp được.

Một năm sau, tháng chạp năm Ất Dậu, ta nhường ngôi cho Trần Bồ, được sách phong làm Chiêu Thánh hoàng hậu.

Tháng tám năm sau nữa, mẫu hậu tái giá với Thái sư Trần Thủ Độ, phong làm Thiên Cực công chúa. Cùng năm đó, ta nhận được mật tin, phụ hoàng bị Trần Thủ Độ bức tử.

Ngày hôm ấy là đợt lạnh nhất trong năm, Đại Việt không có tuyết, nhưng trong lòng ta giống như có cả tầng tầng tuyết phủ, lạnh đến nỗi chỉ có thể nằm co ro ở trên giường. Trần Bồ hỏi ta làm sao, ta không dám nói thật cho hắn biết.

Ta sợ hắn tố giác lại cho Thái sư.

Ta đã nói rồi, ta rất nhát gan, ta sợ chết.

Những chuyện này đều đã trôi qua rất lâu, nhưng mỗi lần lật lại đều có thể khiến trái tim ta rỉ máu. Ta không giết nổi Thái sư, nhưng chọc ngoáy phá hỏng chuyện của ông ta thì ta làm được.

Nhiều năm nay, Thái sư liên tục đuổi tận giết tuyệt họ Lý. Mùa đông năm Nhâm Thìn[3], Thái sư cuối cùng không còn đủ kiên nhẫn thủ tiêu từng người một nữa, bèn lập mưu muốn một mẻ đánh gọn, chôn sống hoàng thân họ Lý vào ngày mọi người trở về tế tổ ở Hoa Lâm[4]. Vì sao ta biết chuyện này, là vì Trần Bồ kiên quyết không cho ta đi.

Ta bèn móc nối với một số thân tín còn sót lại của phụ hoàng, ngầm mật báo cho hoàng thân họ Lý. Đồng thời lại cho thuộc hạ đi tìm về Hải Ấp[5], họ Trần khởi sinh từ Hải Ấp, sau khi thiên hạ đổi chủ, vẫn có rất nhiều “hoàng thân quốc thích” bị bỏ lại ở xóm chài, bọn họ đương nhiên chẳng cam lòng, nhưng quyền uy của Thái sư lớn đến thế, bọn họ cũng chỉ có thể ấm ức mà không dám nói ra. Lần này ta dùng một bức thư mô phỏng chữ viết của Thái sư, đại ý là năm xưa ngai vàng ngồi chưa vững, không dám mạo hiểm dồn tất cả lực lượng tới kinh thành, hiện giờ giang sơn đã yên ổn, mời bọn họ cùng tới Thăng Long hưởng phúc. Ta lấy danh nghĩa của Thái sư tặng cho bọn họ vài cây gấm vóc, thêm ít châu báu, dặn bọn họ đúng ngày tới Hoa Lâm hội họp. Kiếm người chết thay, ta cho rằng tìm họ Trần là tốt nhất.

Dù sao thì Thái sư cũng là con cáo già thành tinh, vừa thấy nghi ngờ đã lập tức quay ngựa đuổi tới bến cảng, nhưng hoàng thân họ Lý đều đã lên thuyền vượt biển trốn sang ngoại bang từ sớm rồi.

Dĩ nhiên làm vụ này ta cũng đã chùi tay tương đối sạch sẽ, khiến cái mũi thính hơn mũi chó săn của ông ta không đánh hơi tới được, đổi cho ta sống tiếp được bốn năm yên ổn.

Dẫu mục đích của ta chỉ là khiến lão Thái sư sống không yên, nhưng dù sao ta cũng đã mạo hiểm bảo tồn một tia huyết mạch của họ Lý, bọn họ chẳng có cớ gì để trách ta.

Trần Bồ từng nói, ta quá vô tâm vô phế. Nhận xét này không sai, ngoại trừ một số ít những người ta quan tâm, sinh mạng của kẻ khác, sinh mạng của bách tính đối với ta mà nói chẳng mấy quan trọng. Hiện giờ trong lòng ta, những người quan trọng nhất đều đã không còn, cũng có nghĩa là từ giờ trở đi, ta phải toàn tâm toàn ý bảo vệ chính mình.

Mùa hè năm nay nóng nực một cách khó lòng chịu được.

Dù sao nơi này cũng là lãnh cung, ngoại trừ Trần Bồ thỉnh thoảng nổi hứng lui tới, căn bản là sẽ không có ai nhàn rỗi tới nơi này. Vì thế ta cũng tùy tiện mặc mỗi một lớp áo đơn mỏng, để chân trần nằm dài bên hiên hóng gió. Sau đó thiếp đi lúc nào không hay.

Khi ta mở mắt, cảm nhận đầu tiên chính là trời đang mưa. Cơn mưa rào hiếm hoi của mùa hạ năm nay. Mưa rất lớn, ta còn nghĩ liệu có phải Đông Hải Long Vương chửi nhau không lại với người ta, thua rồi ấm ức nên mới khóc lớn để trút giận hay không nữa.

Mưa quất mạnh lên mái hiên, bọt nước bắn tung trắng xóa, sau đó lại quất lên chân ta, đau rát.

Ta phát hiện mưa lớn như thế mà ta chỉ cảm thấy chân hơi ướt, ngược lại phía trên đầu lại không có cảm giác gì. Ta ngước mắt nhìn lên, phía trên đầu ta có một cái ô nhỏ, lần theo tay cầm ô, ta ngạc nhiên đến ngẩn người.

Đứng trước mặt ta lúc này là một đứa trẻ tầm trên dưới mười tuổi, gương mặt có chút bầu bĩnh đáng yêu, nhưng đường nét vuông vắn, gãy gọn, rất anh tuấn. Cũng giống như Trần Bồ, đứa trẻ trước mặt ta cũng có một đôi hàng mi vừa cong vừa dài, đó là nét mềm mại duy nhất trên gương mặt nó.

Nước da bánh mật hơi tái, mưa gió sau lưng nó rít gào, nhưng nó mím môi cương nghị, ánh mắt kiên định nhìn ta. Giây phút ấy ta chợt nghĩ, thằng nhóc này lớn lên nhất định sẽ là chỗ dựa vững chắc cho người khác.

Ta phát hiện, chiếc ô nó cầm trong tay không lớn lắm, lúc này lại nghiêng phần lớn che cho ta, còn bản thân thì đã bị nước mưa quất cho thảm hại. Trong lòng ta cảm thán, đứa trẻ này tốt bụng quá, tốt quá sẽ thiệt thòi.

Thực ra ta không thích người quá tốt bụng, vì đứng trước mặt họ ta có cảm giác như bản thân rất tồi tệ, tay ta không sạch sẽ, cho nên chỉ dám giấu sau lưng.

Ta nhổm người dậy, thò tay đẩy cây ô ra, ta nghĩ nó ngâm nước mưa lâu như thế sẽ cảm lạnh mất, trước khi tìm hiểu lai lịch của đứa trẻ bất minh này, vẫn nên xuống bếp pha ít trà gừng cho nó đã. Ta bảo nó vào trong hiên ngồi đợi, nó có chút do dự, hồi lâu mới đỏ mặt nói sợ làm ướt sàn.

Ta nhếch mép cảm thán, là ai dạy dỗ đứa trẻ này, tốt đẹp như thế sau này sẽ bị người khác lợi dụng đấy.

Ta nói không sao, vào phòng kiếm đại một bộ vải thô cho nó thay. Ta lờ đi vụ y phục nó đang mặc được may bằng loại vải lụa thượng hạng dành riêng cho hoàng thân quý tộc, cũng lờ luôn việc y phục của ta hơi rộng so với nó.

Không chỉ pha trà gừng, ta còn tiện thể làm ít bánh gừng. Trước khi nhũ mẫu mất, ta thực sự chưa từng tự tay vào bếp, nhưng bản lĩnh gì thì ta không có chứ bản lĩnh bắt chước quả thực đã đạt đến cảnh giới “tiền đồ vô lượng”. Năm xưa ta chỉ dựa vào mấy chữ ít ỏi của Thái sư trong tấu chương dâng lên Trần Bồ mà biên soạn được hẳn một bức thư dài trăm chữ lừa người, bút tích giống đến nỗi Thái sư tra xét mấy năm trời vẫn không tra ra nổi ta. Hiện giờ ta cũng mô phỏng cách thức nấu ăn của nhũ mẫu, tuy không thể đạt được mười phần nhưng ít ra cũng lãnh ngộ được tám phần.

Ta đem khay bánh và trà ra chiếc bàn thấp gần hiên cửa, phát hiện thằng nhóc kia vẫn đang loay hoay xắn tay áo, bộ dạng nhăn nhó khổ sở đến buồn cười. Ta nhón tay làm phúc, giúp nó xắn tay áo lên cho cẩn thận, tiện thể lau ít vụn bánh dính trên tay vào áo nó. Lát nữa sẽ tặng nó cái áo này làm kỷ niệm, đỡ mất công giặt.

Ngày hôm đó, trong cơn mưa rào tầm tã, thằng ranh này ăn không hai đĩa bánh gừng, uống không một ấm trà gừng của ta mới chịu nhấc mông đứng dậy cầm ô ra về,

Ta chỉ moi được mỗi hai thông tin, thứ nhất nó tên là Trần Quốc Tuấn, thứ hai nó là con của An Sinh vương. Hai cái tên này đều rất quen tai, nhưng nhất thời khi ấy không nhớ ra được.

[1] Chức của thái giám, lo việc giấy tờ thường ngày cho Vua và Thượng hoàng.

[2] Tức năm 1224.

[3] Tức năm 1232.

[4] Nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.

[5] Nay thuộc tỉnh Thái Bình.

Note: Lý Phật Kim là tên khác của Lý Chiêu Hoàng (Lý Thiên Hinh)

Tác giả có lời muốn nói: Cuối cùng thì một trong hai chàng trai ta thích nhất trong truyện đã xuất hiện rồi =]]]]]]]